Hôm qua (30/6) Người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Sandi Nugroho cho biết, sáng kiến này phù hợp với kế hoạch chiến lược giai đoạn 2025-2045 của cảnh sát nhằm sử dụng robot để hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ. Cảnh sát Indonesia có kế hoạch triển khai "chó robot" bắt đầu từ năm 2026, thực hiện các chức năng tương tự như chó nghiệp vụ để phát hiện vật liệu nguy hiểm. Những robot này không phải đào tạo, cho ăn hàng ngày và có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài chó robot, cảnh sát Indonesia còn giới thiệu robot xe tăng, máy bay không người lái, các robot hình người có khả năng nhận dạng khuôn mặt và giám sát giao thông bằng hệ thống camera 360 độ. Mặc dù công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn đầu nhưng nó sẽ giúp cải thiện độ chính xác trong hoạt động, giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho nhân viên cảnh sát, đồng thời hỗ trợ xử lý bom mìn, giải cứu con tin và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Johanes Kurnia Widjaja, Tổng giám đốc điều hành công ty Sari Teknologi, đơn vị phát triển robot cho biết, các thiết kế được tùy chỉnh để giải quyết những thách thức cụ thể mà cảnh sát Indonesia phải đối mặt. Chẳng hạn Robot i-K9 có thể hoạt động 8 giờ đồng hồ trong thời tiết khắc nghiệt và được tích hợp với trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, các robot hình người được thiết kế để giám sát an ninh và trật tự công cộng, vẫn đang quá trình thử nghiệm và cải tiến trước khi triển khai hoạt động đầy đủ.
Hiện nay nhiều quốc gia đã sử dụng robot để tối ưu hóa công việc của cảnh sát, bao gồm robot hình người ở Thái Lan, robot tuần tra ở Trung Quốc và robot côn trùng ở Singapore để tìm kiếm và cứu nạn. Cảnh sát Indonesia cũng đang nghiên cứu công nghệ robot của các nước, để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý tài liệu và cung cấp dịch vụ công./.
Tuấn Dũng/VOV Indonesia
Bình luận