Thủ tướng Đức Ô-láp Xôn (Olaf Scholz) của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và lãnh đạo phe đối lập - ứng cử viên Thủ tướng của Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Friedrich Merz đã có những phát biểu công kích chính sách của nhau trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội đương nhiệm.
Ông Friedrich Merz đã chỉ trích đương kim Thủ tướng đã đưa nền kinh tế đất nước rơi vào thảm họa, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại cáo buộc đối thủ “nặng ký” của mình là liên tục thay đổi quan điểm chính sách trong nhiều vấn đề:
“Gần ba triệu người thất nghiệp. Tôi không ngờ điều này lại xảy ra. Thật là thảm họa khi nền kinh tế Đức lại đang tụt hậu trong Liên minh châu Âu. Suy thoái là điều chưa từng xảy ra trước đây trong lịch sử hậu chiến của Đức”
“Nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Tổng thống Mỹ đang gây khó chịu với những tuyên bố về Greenland, Canada, Trung Đông và Panama. Ông ấy vừa áp thuế trừng phạt đối với thép và nhôm. Gió đang thổi vào mặt chúng ta. Do đó, sự lãnh đạo mạnh mẽ, thần kinh vững vàng, lộ trình rõ ràng - đó là những gì quan trọng trong thời điểm khó khăn như vậy, chứ không phải sự thất thường. Ông Phri-đờ-rích Mớt (Friedrich Merz) đã có những thay đổi liên tục, hết lần này đến lần khác.”
Hai bên cũng tranh cãi về đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Dù cả 2 đều tuyên bố không hợp tác với Đảng này trong việc thành lập chính phủ Liên minh hậu bầu cử, song Thủ tướng Đức cảnh báo không thể tin tưởng ông Friedrich Merz trong việc kiểm soát đảng này; còn ông Friedrich Merz lại bác bỏ cáo buộc và quy trách nhiệm cho chính sách “cánh tả” của Thủ tướng Olaf Scholz đã khiến AfD vươn lên vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò.
Hiện đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức cũng đang nhận được sự ủng hộ của khoảng 20% lượng cử tri, về sau Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và hơn Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), do những chính sách đưa ra có sự khác biệt; bao gồm trục xuất số lượng lớn người nhập cư, rút Đức khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Thỏa thuận Paris, tái cơ cấu Liên minh châu Âu (EU), khởi động lại dự án đường ống “Dòng chảy phương Bắc”… Về đối ngoại, Đảng AfD cũng có những lập trường riêng. Trong chuyến thăm Hungary hôm qua, bà A-lít Uây-đồ (Alice Weidel) - Ứng cử viên thủ tướng Đức của AfD cho biết:
“Đảng Sự Lựa Chọn vì nước Đức nhận thấy rằng mối quan hệ với các nước láng giềng đã xấu đi. Trước hết là với Hungary, cũng như với các đối tác lâu năm của chúng tôi, các cường quốc lớn như Nga và Trung Quốc. Mục tiêu chính của tôi là khôi phục và cải thiện những mối quan hệ này. Đó là lý do tôi đã đến thăm thủ đô tuyệt vời của các bạn, Budapest.”
Tuy nhiên, cũng chính vì những chính sách quá khác biệt, nên nhiều nước châu Âu và một bộ phận người Đức đang lo lắng AfD sẽ có vai trò lớn sau bầu cử. Tại thành phố Munich của Ðức, hơn 200.000 người tham gia các cuộc tuần hành mới phản đối đảng cực hữu AfD. Trước đó, cuộc tuần hành phản đối đảng cực hữu này tại Berlin đã thu hút tới 160.000 người.
Các diễn biến diễn ra khi chỉ còn 10 ngày nữa nước Ðức sẽ tiến hành bầu cử liên bang, sớm 9 tháng so với kế hoạch do liên minh cầm quyền tan rã và chính phủ thiểu số sau đó không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội tháng 12/2024 vừa qua. Hiện Đức có khoảng 59,2 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu./.
Đình Nam/ VOV1
Bình luận