Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài sản Nhà nước Ba Lan Jakub Jaworowski cho biết, hiện tại năng lực sản xuất đạn dược cỡ lớn của Ba Lan đạt khoảng 20.000 đơn vị mỗi năm. Mục tiêu của chính phủ là nâng sản lượng lên gấp gần 10 lần, tương tương với khoảng 150.000–180.000 đơn vị mỗi năm. Kế hoạch này sẽ được triển khai thông qua việc nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở sản xuất. Cùng với đó, bốn công ty trực thuộc Tập đoàn vũ khí Ba Lan (PGZ) sẽ nhận tài trợ khoảng 566 triệu euro để thành lập ba nhà máy sản xuất đạn dược quy mô lớn, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2027.
Ông Jakub Jaworowski chia sẻ, nhu cầu về đạn pháo 155mm tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vàotháng 2/2022, khiến các kho dự trữ của châu Âu cạn kiệt do phải liên tục hỗ trợ Kiev. Việc Ba Lan tập trung đầu tư sản xuất đạn dược cỡ này không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí nước ngoài, mà còn đóng góp vào nỗ lực chung của liên minh. Điều này đặc biệt quan trọng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và châu Âu đối mặt với nguy cơ thiếu hụt đạn dược trong các tình huống xung đột kéo dài xảy ra.

Trước đó, Thủ tướng Donald Tusk cũng đưa ra mục tiêu tự cung tự cấp các loại đạn dược cốt lõi trong vòng ba năm, cho rằng, đây là một tham vọng đầy thách thức nhưng cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo giới chuyên gia, Ba Lan đã đầu tư mạnh vào hiện đại hóa quân đội, từ việc mua sắm hệ thống HIMARS của Mỹ đến xe tăng K2 và pháo K9 của Hàn Quốc. Việc Ba Lan đầu tư hàng trăm triệu euro để mở rộng sản xuất đạn pháo 155mm tiếp tục là một bước đi mang tính chiến lược, phản ánh tầm nhìn dài hạn của nước này về bảo đảm quốc phòng và an ninh khu vực. Quyết định này không chỉ góp phần củng cố vị thế của Ba Lan trong NATO mà còn phù hợp với nỗ lực chung của châu Âu nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ trước các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài./.
Như Hoa/ VOV SÉC
Bình luận