Chăn nuôi thông minh ở Tây Ninh: Giảm phát thải, tăng hiệu quả
VOV1 - Tây Ninh đẩy mạnh chăn nuôi thân thiện môi trường với mô hình heo tuần hoàn khép kín, bò vỗ béo giảm phát thải, hướng tới nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.

Trại heo xanh giữa rừng cao su

Tây Ninh là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn của khu vực Đông Nam Bộ, thuận lợi để phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, xa khu dân cư, đảm bảo an toàn sinh học.

Những năm gần đây, chăn nuôi đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, với hàng loạt trang trại được đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao nhằm kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Theo chân cán bộ chăn nuôi và thú y tỉnh đến thăm trang trại heo Futifarm,  nhiều người ấn tượng trước một không gian xanh, sạch, thoáng đãng giữa cánh rừng cao su bạt ngàn. Trong khuôn viên, chủ trang trại còn trồng mít siêu sớm, vừa tạo bóng mát, vừa giúp khử mùi, mang lại cảm giác hài hòa với thiên nhiên.

Anh Văn Thanh Phong- chủ trang trại cho biết: "Từ khi bắt tay xây dựng Futifarm, tôi đã xác định phải làm chăn nuôi xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Không thể phát triển bền vững nếu bỏ qua yếu tố môi trường".

Trang trại được xây dựng theo hướng tuần hoàn khép kín, với hệ thống chuồng trại hiện đại: mái lợp cách nhiệt, quạt thông gió công suất lớn, rèm che xung quanh chuồng và dàn máy làm mát kiểu tổ ong ở phía trước. Phía sau là dãy quạt công nghiệp liên tục hoạt động, đảm bảo lưu thông khí tốt, giảm nhiệt độ và mùi hôi.

Hệ thống xử lý chất thải được Futifarm đầu tư bài bản các hạng mục: hầm biogas, hồ điều hòa, bể khí Anoxic – Aerotank, hồ lắng vi sinh, bể khử trùng, hồ sinh học và hồ chứa nước sau xử lý đạt chuẩn. Nguồn nước này được tái sử dụng để tắm heo, tưới cây và nuôi cá, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.

Chất thải rắn được tách riêng, ủ làm phân vi sinh phục vụ trồng trọt. Phần nước thải sau lắng lọc tiếp tục được xử lý qua hệ thống máy lọc sinh học, bơm thu và máy thổi khí. Toàn bộ quy trình giúp giảm đáng kể ô nhiễm, tiết kiệm nước, giảm chi phí vận hành.

Trong khu vực chăn nuôi, thức ăn cho heo là loại cám khô giàu dinh dưỡng, được phối trộn sẵn và đưa về máng ăn qua hệ thống ống dẫn tự động từ silo chứa. Cách cho ăn này giúp hạn chế thức ăn rơi vãi, giữ chuồng sạch sẽ, hạn chế ô nhiễm.

Mặc dù được UBND tỉnh phê duyệt quy mô chăn nuôi 6.000 con, hiện Futifarm chỉ duy trì khoảng 3.500 con nhằm giảm mật độ đàn, không tạo áp lực quá tải lên hệ thống xử lý chất thải. Theo anh Phong, đây là cách để giữ sự cân bằng sinh thái trong mô hình nuôi công nghệ cao.

Nuôi bò vỗ béo giảm phát thải

Không chỉ đi đầu trong chăn nuôi heo tuần hoàn khép kín, Tây Ninh còn là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mô hình vỗ béo bò theo hướng giảm phát thải khí nhà kính- một giải pháp mới nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thịt ngày càng tăng trong khi ngành nông nghiệp chịu áp lực cắt giảm phát thải khí nhà kính, mô hình này được xem là hướng đi tất yếu cho ngành chăn nuôi đại gia súc.

Tại trang trại bò thịt PACOW, từng đoàn bò giống Angus, Charolais, Hereford, Brahman được nuôi vỗ béo trong khu chuồng trại rộng rãi, thông thoáng, được thiết kế riêng hệ thống tách phân và xử lý nước thải.

Ông Oàn Lộc Phến, Giám đốc Công ty TNHH Pacow International- đơn vị vận hành trang trại, cho biết: “Mô hình vỗ béo bò này tôi đầu tư từ hơn 10 năm trước, sau quá trình học hỏi từ các kỹ sư chăn nuôi trong nước và mô hình tiên tiến của Úc. Ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng hiệu quả môi trường và kinh tế mang lại là rất rõ rệt.”

Điểm khác biệt của mô hình vỗ béo bò giảm phát thải là khẩu phần ăn được kiểm soát chặt chẽ để giảm khí methane- loại khí nhà kính có tác động mạnh gấp 28 lần CO₂. Tùy từng giai đoạn nuôi (tiền vỗ béo- tăng trọng- hoàn thiện), khẩu phần được điều chỉnh linh hoạt, trong đó bổ sung các phụ gia sinh học như tannin, dầu thực vật, men vi sinh Bacillus subtilis, cám lên men... giúp bò hấp thụ tốt hơn, giảm lượng khí thải phát sinh trong quá trình tiêu hóa. “Bò ăn không nhiều hơn, nhưng hiệu quả hấp thụ tốt hơn, béo nhanh hơn, rút ngắn thời gian nuôi. Nhờ đó, khí methane phát sinh giảm từ 30–35% so với phương pháp chăn nuôi truyền thống”, ông Phến cho biết thêm.

Bên cạnh đó, toàn bộ chất thải từ chuồng nuôi đều được xử lý: nước thải qua ba bể sinh học, phân ủ thành compost dùng bón cỏ trong trang trại và phân phối cho người dân trong vùng.

Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình này tuy hiệu quả nhưng vẫn còn gặp một số rào cản như chi phí đầu tư ban đầu lớn (giống bò ngoại, chuồng trại chuẩn hóa, quy trình phối trộn khẩu phần), đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

Tuy vậy, với định hướng phát triển bài bản, gắn kết khoa học công nghệ- thị trường- thương hiệu, Tây Ninh đang khẳng định quyết tâm đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành ngành hàng chủ lực, không chỉ đủ sức cạnh tranh trong nước mà còn có khả năng vươn ra quốc tế.

Thực tế chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả toàn diện: năng suất tăng, chi phí giảm, dịch bệnh được kiểm soát, chất lượng sản phẩm nâng cao và đặc biệt là giảm áp lực lên môi trường.

“Chỉ khi ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành chăn nuôi Tây Ninh mới thật sự bứt phá, thoát khỏi hình thức tận dụng, manh mún và hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, xanh và có trách nhiệm”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh./.

PV/VOV

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận