Ấn Độ, Anh ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương
VOV1 - Ngày 24/7, tại thủ đô Luân-đôn, Anh, Ấn Độ và Anh chính thức ký kế Hiệp định Thương mại Tự do (FTA)song phương.

Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng nước chủ nhà Keir Starmer. Đây là FTA đầu tiên của Ấn Độ với một quốc gia thuộc Nhóm G7, đánh dấu bước ngoặt chiến lược trong quan hệ song phương.

Lễ ký được tổ chức trang trọng tại London, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài hơn ba năm với 14 vòng thương lượng. Hiệp định đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 120 tỷ USD vào năm 2030 và 160 tỷ USD vào năm 2040. Theo các điều khoản, 90% hàng hóa của Anh sẽ được cắt giảm thuế, trong đó 85% được miễn thuế hoàn toàn trong 10 năm. Ở chiều ngược lại, gần 99% hàng hóa xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ được miễn thuế khi vào thị trường Anh. Những lĩnh vực hưởng lợi lớn gồm dệt may, da giày, xe điện, rượu whisky, thiết bị y tế và dịch vụ công nghệ cao.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh:

“Hôm nay đánh dấu một ngày lịch sử trong quan hệ song phương của chúng ta. Hiệp định này không chỉ mở đường cho quan hệ đối tác kinh tế mà còn là bản thiết kế cho sự thịnh vượng chung của cả hai nước. Các lĩnh vực của Ấn Độ như dệt may, đá quý, thực phẩm chế biến, hải sản và kỹ thuật sẽ có cơ hội tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường Anh, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, thanh niên và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.”

Phía Anh cũng hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường rộng lớn và đang tăng trưởng mạnh của Ấn Độ. Các mặt hàng như ô tô, rượu vang, rượu mạnh, mỹ phẩm và sản phẩm công nghệ sẽ dễ dàng tiếp cận Ấn Độ với thuế suất thấp hơn. Đồng thời, London cam kết mở cửa sâu hơn ở lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Ấn Độ -những ngành nghề xuất khẩu then chốt của nền kinh tế Nam Á. Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định:

 “Chúng ta đều biết rằng đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất và có ý nghĩa kinh tế quan trọng nhất mà Anh ký kể từ khi rời Liên minh châu Âu. Đồng thời, tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong những hiệp định toàn diện nhất mà Ấn Độ từng thực hiện. Tôi cảm ơn Thủ tướng Modi vì sự lãnh đạo quyết đoán và hợp tác hiệu quả để biến thỏa thuận này thành hiện thực.”

Không chỉ dừng lại ở một thỏa thuận thương mại, nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Anh còn tuyên bố khởi động chương trình “Đối tác Chiến lược 2030” nhằm mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, năng lượng sạch, an ninh mạng và chuyển đổi số. Theo ông Starmer, Ấn Độ là đối tác hàng đầu của Anh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do đó FTA lần này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn tăng cường lòng tin chiến lược giữa hai nước.

Tuy nhiên, việc thực thi hiệp định được dự báo sẽ không tránh khỏi những thách thức. Một số tổ chức tại Anh lo ngại về tiêu chuẩn lao động và môi trường của Ấn Độ, trong khi doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn được nới lỏng hạn chế về xuất nhập cảnh và đi lại cho lao động tay nghề cao. Hai chính phủ tuyên bố sẽ thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả, với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan hai nước để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Việc ký kết FTA được coi là một thắng lợi lớn đối với cả Ấn Độ và Anh. Với London, đây là minh chứng rõ ràng cho chính sách “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit, thể hiện cam kết xây dựng các quan hệ thương mại độc lập, đa dạng hóa đối tác và mở rộng ảnh hưởng kinh tế ra ngoài khu vực châu Âu. Còn với Ấn Độ, thỏa thuận này là thành công chiến lược trong nỗ lực đạt được các FTA chất lượng cao với các nền kinh tế lớn; trong khi có thể bảo vệ lợi ích nội địa thông qua sáng kiến “Ấn Độ Tự cường”, thúc đẩy sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu./.

Lê Dũng/VOV-Ấn Độ

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận