Tuy nhiên, dư luận vẫn đang rất thận trọng và bày tỏ, liệu những tuyên bố này có đồng nghĩa với hành động thực tế?
Kể từ khi chính quyền Taliban quay trở lại nắm quyền ở Afghanistan hồi năm 2021, con số các di dích khảo cổ học tại Afghanistan được tìm kiếm, phát lộ đã tăng lên đáng kể. Mới nhất, trong các hang đá ở lãng Gowarjan, phía đông tỉnh Lahman, chính quyền địa phương đang khai quật một kho chứa các hiện vật được cho có từ thời Đế chế Kushan với tuổi đời hơn 2.000 năm. Có thể kể đến những dòng chữ Brahmi độc đáo được khắc trên một phiến đá rỗng dùng làm công cụ giã nho làm rượu...

Theo người dân địa phương, những di tích này có thể đã có một số phận khác, nếu được phát lộ trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên của Taliban những năm 1996-2001. Dư luận hẳn còn nhớ, khi đó, Thủ lĩnh - Người sáng lập Taliban Mullah Omar đã ra lệnh phá hủy tất cả các bức tượng Phật, trong đó có những bức tượng khổng lồ 1.500 năm tuổi ở tỉnh Bamiyan - bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bởi thế, khi Taliban quay trở lại năm 2021, các địa phương đã tỏ ra vô cùng lo lắng.
Ông Mohammed Nadir Makhawar - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản tại tỉnh Laghman bày tỏ: “Bất cứ điều gì, hiện vật nào mà tổ tiên xa xưa đã để lại cho chúng tôi, đó chính là những giá trị văn hóa quí báu mà chúng tôi cần phải gìn giữ. Dù đó là các di sản về Phật Giáo, Hồi giáo hay bất cứ tôn giáo nào thì những giá trị về nghệ thuật, lịch sử là đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi”.

Thế nhưng trái với sự lo lắng của dư luận trong nước và quốc tế, kể từ khi quay trở lại vào năm 2021, Taliban ngay lập tức đã có những động thái khá bất ngờ. Nổi bật nhất là mở lại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan - nơi mà chính lực lượng này từng phá hủy các chứng tích và hiện vật quan trọng. Thậm chí, các địa phương còn tỏ ra bất ngờ với sự nhiệt tình của chính quyền Taliban trong việc hỗ trợ các công tác bảo tồn.
Ông Mohammed Yaqoub Ayoubi - Chủ tịch Ủy Ban Văn hóa - Du lịch tỉnh Laghman cho biết: “Khi Taliban quay trở lại nắm quyền, thực tế, họ đã có những động thái đáng kể bày tỏ sự quan tâm đến việc bảo tồn di sản - một bước chuyển rất khác so với giai đoạn trước. Đặc biệt là khi lãnh đạo tối cao đã ban hành sắc lệnh liên quan đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều việc chúng tôi phải làm để có thể bảo vệ được các giá trị di sản văn hóa-lịch sử”.

Nhìn lại, ngay từ nhiều tháng trước khi tiếp quản chính quyền Afghanistan vào năm 2021, Taliban đã kêu gọi bảo vệ các di tích lịch sử, hiện vật cổ..., làm dấy lên sự hoài nghi. Nhất là khi, một số thông tin cho hay, chính quyền Taliban dường như vẫn không mấy bận tâm đến các di sản phi vật thể khác của đất nước như âm nhạc, các điệu nhảy dân vũ truyền thống hay bất cứ điều gì liên quan đến phụ nữ. Rằng, việc có các động thái thúc đẩy bảo vệ di sản tôn giáo, lịch sử chỉ nhằm “xoa dịu dư luận” mà thôi.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, thực tế động thái này khá dễ hiểu, khi hơn lúc nào hết, Taliban cần lấy lại danh tiếng và kêu gọi thêm sự ủng hộ hướng tới việc được quốc tế công nhận toàn diện. Điều này cũng hỗ trợ tích cực cho Taliban trong quá trình phát triển kinh tế - du lịch của đất nước. Mục tiêu là vậy nhưng bản thân Taliban đang đối diện nhiều khó khăn như thiếu nguồn lực và tài chính cũng như vấn đề đảm bảo an ninh. Cộng với những hoài nghi của dư luận, công cuộc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, lịch sử của Afghanistan dưới thời Taliban sẽ còn là câu hỏi chưa có lời đáp!./.
Bình luận