Chị Dana Foster, trước đây từng là nhân viên tại Công viên lịch sử quốc gia Jimmy Carter và Andersonville ở Georgia, Mỹ, đang gặp khó khăn trong việc tìm được công việc mới với thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt phí của gia đình. Còn Cựu chiến binh Không quân Monique de l'Etoile đã bắt đầu nộp đơn xin việc mới sau khi mất đi công việc phân tích ngân sách tại Cục Quản lý Y tế Cựu chiến binh. Nhưng đến nay, chị vẫn chưa tìm được việc làm do nhiều nhà quản lý cũng đang quá tải với lượng đơn xin việc khổng lồ sau làn sóng sa thải nhân viên liên bang. Chị Monique de l’Etoile chia sẻ: "Tôi rất lo lắng và tôi cũng chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm với các công việc trong khu vực tư nhân. Đó là một rào cản lớn mà chúng tôi phải vượt qua."
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn nhân viên liên bang vừa phải nghỉ việc sau khi Cơ quan Hiệu quả Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm. Đến nay, đa phần những cựu nhân viên này vẫn vật lộn với việc tìm kiếm công việc mới.
Theo trang web việc làm trực tuyến Indeed, đã có sự gia tăng đột biến số lượng người tìm kiếm việc làm trên cả nước Mỹ. Gần 70% người lao động bị sa thải từ các cơ quan liên bang đang tìm kiếm việc làm có bằng Cử nhân hoặc cao hơn. Trong khi đa phần nhân viên chính phủ là người có trình độ chuyên môn khá cao, đây lại là đối tượng có tốc độ được tuyển dụng chậm hơn cả. Bà Allison Shrivastava, chuyên gia tại trang web việc làm Indeed, cho rằng: "Trong số những đơn đăng ký tìm việc mới, số lượng người từng làm việc tại các cơ quan chịu sự đánh giá của Cơ quan hiệu quả Chính phủ đã tăng tới 50%. Đây là điều rất đáng chú ý, bởi hiện tượng này trước đây chưa từng xảy ra. Lực lượng lao động này có trình độ học vấn rất cao, chủ yếu là công việc văn phòng, công việc trí óc, lại phải gia nhập thị trường lao động khi nhu cầu với những công việc đó khá khan hiếm. Do đó, việc tái hòa nhập họ vào nền kinh tế sẽ khá khó khăn."

Trên thực tế, cũng đã có một bộ phận nhân viên liên bang bị sa thải đã được gọi đi thử việc tại các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, tại đây, họ lại gặp khó khăn khi không thể làm quen với môi trường mới. Điều này là do tính chất và yêu cầu khác nhau trong khối nhà nước và tư nhân. Một số người đã có 10-20 năm kinh nghiệm làm việc cho chính phủ liên bang, lại bị sa thải chỉ sau 1 tháng thử việc ở công ty mới. Trong khi công việc liên bang coi trọng sự chính xác, cẩn thận, thì doanh nghiệp lại yêu cầu tốc độ và lợi nhuận. Nhiều nhà tuyển dụng cũng lo ngại rằng, các nhân viên liên bang sẽ có kỳ vọng không thực tế về chế độ đãi ngộ, giờ làm việc, hoặc không thể thích nghi với tốc độ làm việc trong môi trường có tính cạnh tranh cao.
Theo báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ, số liệu có vẻ khả quan với mức 228 nghìn việc làm mới, cao hơn mức trung bình 158 nghìn trong năm qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, con số này vẫn chưa phản ánh đúng số lượng người mất việc sau làn sóng sa thải gần đây. Do đó, khi con số này được cập nhật chính xác, việc điều phối thị trường lao động sẽ là một vấn đề mà Chính phủ Mỹ thực sự cần chú trọng giải quyết./.
Bình luận