Với 933 nghìn 789 ha lúa Mùa và lúa Hè thu, sản xuất nông nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đang vào thời vụ cao điểm. Trong đó, khu vực Bắc Bộ sản xuất khoảng 705 nghìn ha lúa vụ Mùa, chủ yếu đang ở giai đoạn đẻ nhánh; khu vực Bắc Trung Bộ là gần 230 nghìn ha vụ Hè thu đang giai đoạn làm đòng, hồi xanh - đẻ nhánh. Về diện tích hoa màu có khoảng 274 nghìn 352ha; diện tích cây ăn quả là 216 nghìn 278ha….Ứng phó với bão số 3 và mưa hoàn lưu sau bão, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cử các cán bộ xuống trực tiếp tại địa phương phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu bạn và Phòng thủ dân sự cấp xã kịp thời hướng dẫn người dân với những chỉ đạo nhanh nhất từ Ban chỉ đạo Trung ương đến địa phương vầ có báo cáo cập nhật kịp thời hướng dẫn bà con nông dân ứng phó mưa, lũ và ngập úng bảo vệ sản xuất cây trồng, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh: “Đối với những diện tích rau màu hoặc những diện tích cây ăn quả đã đến thời vụ thu hoạch thì khuyến cáo bà con thu hoạch sớm để đảm bảo được cái năng suất và bảo vệ được diện tích cây ăn quả rau màu đã đến thời điểm thu hoạch. Triển khai “4 tại chỗ” chuẩn bị những bộ giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, các bộ giống rau màu, hoặc là kể cả những cây giống cây công nghiệp, cây ăn quả để phòng khi nếu chúng ta bị thiệt hại chúng ta có bộ giống để chúng ta đưa vào sản xuất ngay phục hồi sau bão lũ”

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với lượng mưa phổ biến từ 100mm đến 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50mm đến 100mm, cục bộ có nơi trên 150mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn lớn hơn 150mm trong vòng 3 giờ. Trước diễn biến phúc tạp của mưa lũ, công tác tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương và ngành nông nghiệp chủ động triển khai. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, các địa phương ở khu vực Bắc bộ đang vận hành 94 trạm bơm, với 342 tổ máy và 62 cống chủ động ứng phó úng, ngập do mưa lớn của hoàn lưu bão số 3. Cụ thể, tỉnh Phú Thọ vận hành 1 trạm với 6 máy; hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà vận hành 6 trạm bơm với 44 máy; thành phố Hà Nội vận hành 4 trạm với 6 tổ máy; Hưng Yên là 32 trạm với 101 máy; thành phố Hải Phòng là 7 trạm với 32 máy; Bắc Ninh là 30 trạm với 115 máy và Ninh Bình là 14 trạm với 38 máy. Các địa phương cũng vận hành 62 cống để tiêu thoát nước, trong đó tỉnh Ninh Bình là 51 cống; Hà Nội 3 cống; Hưng Yên 8 cống.

Thông tin thêm về tình hình ngập úng sau bão số 3 khi đi vào đất liền, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu cho biết, kiểm tra thực địa công tác phòng, chống ngập lụt, úng tại các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà trong ngày 22/7 cho thấy, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã tổ chức bơm tiêu nước đệm trước khi bão số 3 vào đất liền, với tinh thần “cứ có nước là bơm” nên đến nay, Đồng bằng sông Hồng chưa ghi nhận diện tích ngập úng, riêng tại tỉnh Thanh Hóa do mưa lớn tập trung nên đang xảy ra ngập úng cho khoảng 7 nghìn 200 ha diện tích lúa: “Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã chủ động để bơm tiêu nước đệm với tinh thần “có nước là bơm” từ trước khi bão vào 3 đến 4 ngày. Dự báo lượng mưa trong 2 ngày tới ở khu vực Đồng bằng sông Hồng từ 20mm đến 50mm và Thanh Hóa từ 100mm đến 200mm nguy cơ tiếp tục xảy ra ngập, lụt, úng, Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi yêu cầu của địa phương tiếp tục tăng cường tiêu úng, nhất là vận hành các trạm bơm chủ động tiêu úng, ứng phó với hoàn lưu bão số 3 gây mưa tại Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ”

Nhấn mạnh đến việc không chủ quan, lơ là, chủ động mọi phương án ứng phó để hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra khi đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại tỉnh Ninh Bình, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng yêu cầu, các địa phương ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong đó có tỉnh Ninh Bình không để bị động trong ứng phó bão với hoàn lưu sau bão, chủ động kế hoạch hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, đặc biệt tại các vùng ven biển dễ tổn thương bởi gió mạnh, vùng trũng thấp sản xuất cây trồng dễ bị ngập úng: Bộ trưởng Trần Đức Thắng yêu cầu: “Bộ Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên cập nhật thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền, quan trọng nhất phải đảm bảo tính mạng của người dân, tiếp đến là khôi phục sản xuất sau thiên tai. Từ nay đến cuối năm dự báo sẽ còn nhiều bão với các mức độ khác nhau, thời tiết ngày càng cực đoan chúng ta không chủ quan, và coi công tác phòng chống thiên tai là việc làm thường xuyên ta về đề phòng có những chuyện thường xuyên để chủ động ứng phó”

Trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, công tác phòng chống thiên tai không chỉ là việc làm thời điểm mà phải là nhiệm vụ thường xuyên, gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp an toàn, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm ứng phó trước, trong và sau bão số 3 cho thấy, chủ động sớm, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, địa phương và người dân góp phần giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Sản xuất nông nghiệp chỉ thực sự bền vững khi mỗi mùa mưa bão đến, chúng ta không còn bị động mà đã sẵn sàng cả về nhân lực, vật lực, giải pháp và cả sự đồng thuận của người dân.
Minh Long
Bình luận