Không bùn, ít rủi ro, dễ kiểm soát, hiệu quả kinh tế cao – mô hình nuôi lươn của anh Phạm Ngọc Dung (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tạo dựng một hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững. Với cách làm bài bản, sáng tạo, anh Dung không chỉ thu về nguồn thu nhập ổn định mà còn trở thành hạt nhân lan tỏa mô hình đến nhiều hộ dân trên địa bàn.
Năm 2019, sau thời gian tìm hiểu và đi thực tế tại các tỉnh miền Nam - nơi mô hình nuôi lươn không bùn phát triển mạnh, anh Phạm Ngọc Dung (SN 1993 tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Là người đầu tiên đưa mô hình này về Hà Tĩnh, anh Dung bắt đầu từ quy mô nhỏ, anh đầu tư 5 bể, mỗi bể khoảng 5m2, được lót bạt nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, quá trình nuôi phát sinh nhiều rủi ro như bạt dễ rách, khó kiểm soát môi trường nước, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của lươn.
Nhận thấy những hạn chế này, đến đầu năm 2023, anh quyết định đầu tư mạnh tay hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng 45 bể nhựa composite, đồng bộ hệ thống cấp – thoát nước, sục khí và giá thể nhân tạo. Sự chuyển hướng kịp thời giúp mô hình vận hành ổn định, nâng cao hiệu quả rõ rệt.

Thời gian đầu, anh Dung gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm kỹ thuật, nguồn giống chưa ổn định, điều kiện thời tiết và rủi ro môi trường nuôi. Đã có lúc thiệt hại nặng, tưởng chừng phải bỏ cuộc, thế nhưng, với quyết tâm theo đuổi đến cùng, anh kiên trì học hỏi, cải tiến quy trình và từng bước khắc phục trở ngại. “Khó khăn là điều không tránh khỏi khi bắt đầu một mô hình mới, nhất là khi mình là người đầu tiên triển khai ở địa phương. Nhưng mình xác định đã làm thì phải đi đến cùng.” anh Phạm Ngọc Dung chia sẻ.

Với phương pháp nuôi lươn không bùn, anh Dung sử dụng giá thể nhân tạo (dây nilon) đặt trong bể để tạo không gian trú ẩn cho lươn. Hình thức này giúp nuôi được mật độ dày, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh và tiết kiệm chi phí thức ăn, thuốc men.
Đặc biệt, anh chú trọng đầu tư hệ thống xả nước hiện đại, phục vụ nhu cầu thay nước và cho lươn ăn 2 lần mỗi ngày, giúp môi trường luôn sạch, lươn sinh trưởng tốt, hạn chế tối đa dịch bệnh. Dù kỹ thuật không quá phức tạp, nhưng yêu cầu người nuôi phải tỉ mỉ, kiên trì và theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng của lươn.

Mô hình của anh Phạm Ngọc Dung không chỉ được ghi nhận tại địa phương mà còn thu hút sự quan tâm từ nhiều vùng lân cận. Đặc biệt, theo ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, đây là mô hình rất đáng chú ý: “Qua đánh giá của địa phương thì đây là một mới mang hiệu quả cao. Chi phí đầu tư không lớn và thời gian chăm sóc ngắn hơn so với các phương thức hoạt động kinh tế khác. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương cũng hướng tới vận động nhân rộng mô hình này để góp phần nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.”
Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững, trong thời gian tới, anh Phạm Ngọc Dung lên kế hoạch mở rộng mô hình theo hướng chế biến sâu, với các sản phẩm tiềm năng như lươn sấy khô, thịt lươn hút chân không. Đây là bước đi chiến lược của anh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bình luận