- Huyền thoại dòng sông mang "lửa"
Tính đến năm 1967, việc vận chuyển xăng dầu từ hậu phương lớn miền Bắc ra tiền tuyến miền Nam bằng xe tải trở nên vô cùng khó khăn do địch đánh phá ác liệt. Lượng xăng dầu đưa vào chiến trường bị hạn chế nghiêm trọng, đặc biệt sau Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Khi ấy, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng tuyến đường ống xăng dầu, cả Trường Sơn như bừng tỉnh với những bước chân hối hả của lính xăng dầu. Cái gía để đưa được xăng dầu lên phía trước không thể đo đếm được. Thượng tá Hà Khắc Thuần, nguyên Cục phó Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu Cần, nguyên Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 592 nhớ lại: “Xe téc không thể đầy đủ xăng dầu để phục vụ cho hàng loạt hoạt động vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, con người. Vì vậy phải có đường ống thì mới đầy đủ xăng dầu phục vụ đoàn xe đó.”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân ta ở miền Nam đã chuyển sang đợt 3, đòi hỏi chi viện hết sức khẩn cấp. Nhưng tình trạng xăng dầu vẫn tắc nghẽn. Binh trạm 12 đành áp dụng biện pháp gùi xăng. Toàn binh trạm đã dùng 4000 mét ni lông bọc xăng đựng vào ba lô cõng qua trọng điểm. Qua một ngày vượt bom đạn địch, 500 người đeo ba lô lội bì bõm trong bùn lầy mới giao được 2 chuyến xăng dầu cho kho tiếp nhận. Nhưng ni lông và ba lô đều bị xăng ngấm qua. Có hơn 40 chiến sĩ bị bỏng, lưng phồng rộp. Nguồn xăng cạn kiệt, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không kịp chuyển xăng và lương thực vào sẽ có nguy cơ hàng vạn bộ đội và thanh niên xung phong bị đói. Tình hình đó làm cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hết sức “đau đầu”.
Trong một lần sang Liên Xô dự diễn tập của khối Vác - xa - va, ông Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thời đó phát hiện ra Hồng quân Liên Xô có bộ đường ống dã chiến phục vụ chiến dịch. Mỗi đoạn ống chỉ nặng hơn 30kg, bộ đội có thể vác luồn lách trong rừng, tuyến ống có thể tháo lắp, máy bơm có thể cơ động. Đồng chí đặt ngay vấn đề xin viện trợ và được nước bạn đồng ý viện trợ ngay 2 bộ (200km). Đến các năm 1970, 1971, 1972, Liên Xô viện trợ tiếp 9 bộ nữa. Đây chính là cơ sở vật chất ban đầu quyết định sự thành công.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), kỹ sư thiết kế, thi công tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn - người có mặt trên tuyến đường ống từ những ngày đầu, ở những nơi ác liệt nhất, vào những lúc khó khăn nhất chia sẻ: “Dưới tầm đánh phá ác liệt của địch, và sự khốc liệt của thời tiết và địa hình Trường Sơn, trải qua 7 năm tham gia vào vận tải chiến lược (1968-1975), Bộ đội đường ống Trường Sơn đã không phụ sự kỳ vọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đã làm kẻ thù phải kinh ngạc và thán phục.”

Quá trình thi công, bảo vệ và giữ bí mật tuyến vận tải xăng dầu của bộ đội Trường Sơn là một cuộc chiến đầy cam go. Nếu địch đánh đứt ống, thì xăng trên núi dồn xuống, và tất cả các hố bom trở thành ao xăng. Để hạn chế tổn thất khi tuyến bị trúng bom, tùy theo địa hình, các van chặn được bố trí ở các vị trí mà khi tuyết bị đánh đứt, có thể đóng lại, hạn chế tối đa tổn thất về nhiên liệu. Thông thường các van được bố trí cách nhau từ 1-2km. Mỗi van như vậy là một “cửa” và có một tổ canh trực với máy thông tin để đảm bảo thông suốt đường ống. Ông Nguyễn Văn Ton, từng tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 592 nhớ lại: “Đường ống đi đến đâu là đường dây trần đi đấy, toàn là trong rừng thôi. Khi bom đánh, trong cái kỹ thuật của đường ống là người ta lắp cái van một chiều. Ví dụ như lắp van ở dưới chân núi thì nếu ở trên đỉnh núi bị đánh thì nó đến chân núi bị chặn lại được, cho nên không bị toàn bộ xăng trong hệ thống mà chỉ mất ở đoạn đó thôi.”

Việc vận chuyển xăng qua những tuyến lửa ác liệt khiến bộ đội xăng dầu Trường Sơn hy sinh rất nhiều. Trên đường bộ, cùng với việc ném bom chặt đứt huyết mạch giao thông, địch còn thả xuống vô vàn mìn lá, mìn tai hồng - những loại mìn có tác dụng cắt cụt chân bộ binh và cả bom vướng nổ để ngăn chặn bộ đội ta chuyển hàng qua trọng điểm.
Nhớ lại những hy sinh của đồng đội, Cựu chiến binh Hoàng Thị Xuân, tham gia chiến đấu tại C6, D968, Trung đoàn 592 nghẹn ngào: Tôi đã từng đi nhặt thi hài của đồng đội, cho lên ô tô để tập kết ra Bắc. Đơn vị lúc bấy giờ ở bên Lào. Lúc bấy giờ, Mỹ ném bom B52 rất ác liệt, cái cây to như thế mà nó phạt bằng hết để phát hiện ra quân đội mình. Cho nên là ngày đó xác định đi là chết chứ không nghĩ là về quê nữa đâu.
Bao lần bom đạn cày xới khiến nhiều đồng chí hy sinh ngay bên đường ống nhưng dòng xăng dầu chưa bao giờ ngừng chảy. Các đội sửa chữa bám trụ, khắc phục nhanh nhất mỗi sự cố để giữ vững mạch máu chiến trường. Họ đã âm thầm góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, khắc tên mình vào trang sử hào hùng của dân tộc.
- Chiều tuần tra
- Những chuyến tàu nghĩa tình đến với Trường Sa
Bình luận