Với đặc thù khí hậu ôn đới và á nhiệt đới, Tây Bắc là “vựa” sản xuất nhiều loại cây ăn quả có giá trị như: xoài, nhãn, mận, chanh leo, cam, chuối, bưởi, cà phê, cao su và các loại dược liệu bản địa. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, giá trị nông sản xuất khẩu của vùng Tây Bắc đạt khoảng 245 triệu đô la Mỹ; riêng tỉnh Sơn La chiếm đến 190 triệu đô la Mỹ. Những con số này cho thấy nông nghiệp Tây Bắc đang vươn lên trở thành điểm sáng trong bản đồ nông sản Việt Nam.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, để phát huy hết tiềm năng, các địa phương ở Tây Bắc cần thay đổi từ tư duy sản xuất từ “tự phát” sang phát triển nông nghiệp bài bản, quy mô lớn và theo chuỗi giá trị. Liên kết vùng không chỉ là phối hợp sản xuất – tiêu thụ giữa các địa phương, mà còn là giải pháp phát triển tổng thể, từ thống nhất quy hoạch vùng trồng, chia sẻ thông tin, kết nối hạ tầng logistics, cho tới chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường.
Là địa phương đi đầu trong chuyển đổi tư duy phát triển nông nghiệp, Sơn La hiện có 216 mã số vùng trồng trên tổng diện tích hơn 85 nghìn ha cây ăn quả và gần 36 nghìn ha cây công nghiệp lâu năm. So với tiềm năng, con số này vẫn chưa tương xứng với lợi thế của địa phương – nơi được xem là “thủ phủ” của nhiều loại cây ăn quả ở miền Bắc. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để thu hút các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn đến đầu tư tại địa phương là hướng đi chiến lược trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhấn mạnh đến việc liên kết là yếu tố then chốt trong phát triển nông nghiệp ở địa phương, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu khẳng định, ưu tiên phát triển hạ tầng lâm sinh phục vụ trồng và chế biến sâm dược liệu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, Lai Châu xác định liên kết vùng không chỉ dừng lại ở việc phối hợp giữa các địa phương về sản xuất mà còn mở rộng sang liên kết chuỗi giá trị, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế biến sâu đến thương mại và xúc tiến thị trường. Việc xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết để nông sản Việt nói chung, nông sản Lai Châu nói riêng vươn xa hơn.
Một số nội dung đáng chú ý khác:
- Xuất khẩu rau quả sụt giảm, giải pháp nào cho 6 tháng cuối năm?
- Chăn nuôi an toàn sinh học, giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Bình luận