Hài hòa lợi ích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp: chìa khóa phát triển bền vững (03/07/2025)
VOV1 - Để chuỗi giá trị nông sản vận hành hiệu quả, không bị “gãy khúc”, điều cốt lõi nằm ở sự hài hòa lợi ích giữa các mắt xích - từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến đến nhà phân phối và người tiêu dùng.

Từ năm 2003 đến nay, HTX Artemia Vĩnh Châu (tỉnh Bạc Liêu cũ nay là Cà Mau) đã xây dựng thành công mô hình nuôi Artemia kết hợp làm muối tại nhiều xã ven biển. Artemia - một loại giáp xác dùng làm thức ăn cho tôm giống - được sản xuất tại hai địa phương này có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng hàng đầu thế giới.

Điểm đặc biệt của mô hình này không chỉ là kỹ thuật nuôi, mà nằm ở cách tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với sự phân chia lợi ích rõ ràng, minh bạch. Nông dân tham gia HTX được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư theo hướng sinh học không hóa chất. HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, cam kết giá ổn định và tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Doanh nghiệp yên tâm vì có vùng nguyên liệu sạch, ổn định và có thể xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Nhờ vận hành minh bạch và hài hòa lợi ích, mô hình của HTX Vĩnh Châu đã thu hút hơn 500 hộ dân tham gia, mở rộng diện tích nuôi Artemia lên hơn 400 ha, mang lại giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thành công của HTX Artemia Vĩnh Châu là một minh chứng điển hình cho việc phân phối công bằng lợi ích giữa các bên trong chuỗi liên kết nông nghiệp. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có hơn 4.000 HTX tham gia chuỗi giá trị - chiếm gần 13% tổng số HTX. Tuy nhiên, trên thực tế, mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi vẫn còn lỏng lẻo, nhiều nơi chỉ dừng ở hợp tác thời vụ, chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro hoặc ràng buộc trách nhiệm rõ ràng.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Hải Phòng) thẳng thắn nhìn nhận, một trong những rào cản lớn khiến liên kết chuỗi khó bền vững là tình trạng nông dân vi phạm cam kết, tự ý “bẻ kèo” bán nông sản ra ngoài khi giá thị trường tăng cao. Doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, nhưng đến vụ thu hoạch lại không thu mua được đủ sản lượng như đã ký.

Cũng không thiếu các trường hợp doanh nghiệp đặt nặng lợi nhuận, không chú trọng xây dựng mối quan hệ bền vững, lâu dài với nông dân. Một số mô hình hợp tác xã ra đời nhằm làm cầu nối, nhưng lại thiếu năng lực quản trị, tài chính yếu, không đủ sức làm “đầu tàu” dẫn dắt chuỗi.

Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất đòi hỏi vùng nguyên liệu lớn, sản xuất đồng bộ để đảm bảo chất lượng, trong khi tình trạng phân tán đất đai cản trở sự đồng nhất về quy trình canh tác. Điều này làm tăng chi phí thu mua, chế biến và vận chuyển, khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc liên kết với nông dân.

Chương trình có một số nội dung đáng chú ý khác:
- Ninh Bình: Phát huy giống lúa chất lượng cao
- Xã biên giới Lũng Cú của tỉnh Tuyên Quang (mới) bước đầu đi vào vận hành
 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận