Vùng 2 Hải quân - Điểm tựa vững chắc xây dựng thế trận lòng dân trên biển
VOV1 - Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, Vùng 2 Hải quân từng bước củng cố và phát huy thế trận lòng dân – nền tảng vững chắc cho chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, ngư trường rộng lớn và giàu tiềm năng, có gần 100.000 tàu cá với khoảng 2 triệu ngư dân hằng ngày mưu sinh, làm ăn trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việc phát huy vai trò của ngư dân không chỉ là định hướng chiến lược đúng đắn mà còn là nền tảng quan trọng để hình thành “lá chắn thép” bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình, ổn định và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội từ hướng biển.

Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn. Trên đất liền đã khó, trên biển lại càng gian nan. Nhận thức rõ điều đó, Quân chủng Hải quân đã có nhiều nỗ lực cụ thể, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, từng bước củng cố và phát huy thế trận lòng dân – nền tảng vững chắc cho chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” - Niềm tin của ngư dân trên biển

Ngày 30/5/2019, Quân chủng Hải quân tổ chức phát động Chương trình: “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, trong đó, Vùng 2 Hải quân được lựa chọn là đơn vị đầu tiên phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức phát động Chương trình này; một trong những chương trình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Chỉ sau một năm triển khai, chương trình đã lan rộng đến 6 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh (nay là Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Vĩnh Long); trực tiếp là Ban Tuyên giáo, Sở NN&MT các địa phương triển khai xây dựng và ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các ngư dân, về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta trong quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Quá trình thực hiện Vùng và các đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp với Sở NN&MT, Bộ đội Biên phòng các tỉnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các ngư dân hiểu rõ hơn về Luật Biển Việt Nam năm 2012, Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); vị trí các âu tàu, làng chài, Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật trên biển của Hải quân; hướng dẫn liên lạc qua các đài canh của Hải quân Việt Nam để khi ngư dân cần sự giúp đỡ; tuyên truyền các hành vi bị cấm khi khai thác thủy, hải sản trên biển; hướng dẫn xử trí một số tình huống sơ cấp cứu và khi gặp các lưc lượng, phương tiện quân sự của nước ngoài; đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho ngư dân khai thác thủy hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật trên các vùng biển của ta, không vi phạm các vùng biển của nước ngoài.

Qua 06 năm triển khai thực hiện, Vùng 2 đã phối hợp với Sở NN&MT cùng sự hỗ trợ của bộ đội Biên phòng các địa phương thực hiện 56 buổi tuyên truyền cho hơn 5.300 ngư dân; phát 33.700 tờ rơi, tặng 11.700 lá cờ Tổ quốc, 2.250 áo phao, 3.500 khẩu trang y tế; 400 túi thuốc đi biển; khám, cấp thuốc cho 2.050 ngư dân với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Xây dựng 48 nhà đồng đội, 07 nhà đại đoàn kết, 03 nhà tình nghĩa và huy động lực lượng, phương tiện chở nước ngọt, hỗ trợ các tỉnh miền Tây khắc phục hạn hán.

 “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” – gieo “hạt mầm” cho tương lai

Từ năm 2023, Vùng 2 Hải quân tiếp tục là đơn vị được chọn thí điểm làm trước đối với hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Đến nay, Vùng 2 đã nhận đỡ đầu 20 cháu học sinh là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 04 tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng (cũ). Thông qua hoạt động thăm hỏi, động viên gia đình các cháu, hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng (ngoài ra trong các dịp lễ, tết, khai giảng năm học đều tổ chức thăm, tặng quà như: xe đạp, cặp sách và đồ dùng học tập). Qua đó lan tỏa hình ảnh tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” về những giá trị nhân văn, việc làm ý nghĩa, thiết thực trong thời kỳ mới. Sự lan toả của mô hình nhân ái này chính là “chất keo” bền chặt, gắn kết tình quân – dân.

Mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền

Vùng 2 Hải quân thường xuyên duy trì các lực lượng, tàu trực, tuần tra, kiểm soát trên vùng biển được phân công; nhất là thực hiện nhiệm vụ IUU trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Indonesia, Việt Nam - Malaysia. Các tàu đã tổ chức tiếp cận tuyên truyền trực tiếp và thông qua các kênh máy nghề cá đã tuyên truyền được 9.996 lần/5.920 tàu cá/22.505 lượt ngư dân; kêu gọi, tuyên truyền, ngăn cản được 890 lượt tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài, phát hiện 125 tàu cá của ta vi phạm, lập biên bản; đàm phán và giải cứu được 10 vụ/12 tàu bị nước ngoài bắt giữ đưa về Vùng biển Việt Nam và bàn giao cho lực lượng chức năng; tham gia cứu hộ, cứu nạn cho 248 phương tiện/137 người được cấp cứu.

Các nhà giàn DK1 đã ký xác nhận 2.129 lượt chiếc tàu cá hoạt động trên khu vực, cấp cứu 58 ngư dân gặp nạn trên biển; khám, sơ cấp cứu, điều trị, cấp thuốc cho hơn 300 ngư dân các tỉnh bị ốm đau, tai nạn trên biển; cứu hộ 17 tàu cá bị hỏng máy, gặp sự cố; hỗ trợ ngư dân hơn 200 m3 nước ngọt, 7 tấn lương thực thực phẩm. Trong đó, ngày 27/4/2020 lực lượng của Vùng 2 Hải quân đã cứu 30 ngư dân trên tàu cá QNa 95654 của tỉnh Quảng Nam gặp nạn và bị chìm tại vùng biển DK1 sau 48 giờ trôi dạt lênh đênh trên biển, bảo đảm an toàn.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân trên biển, với phương châm “Mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền trên biển, mỗi ngư dân là một mũi trinh sát” từ năm 2019 đến tháng 6/2025, ngư dân trên tàu cá của các tỉnh phía Nam đánh bắt hải sản ở khu vực biển Vùng 2 được phân công quản lý đã phát hiện 448 mục tiêu các loại, chủ yếu là tàu quân sự, tàu chấp pháp của Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Malaysia... kịp thời thông báo cho các lực lượng trên biển của Vùng 2 Hải quân, giúp cho các lực lượng trên biển nắm, theo dõi hành động của các mục tiêu, xử lý tốt các tình huống, bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế, quân sự của ta trên biển.

Bên cạnh đó, Vùng 2 Hải quân và các địa phương đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động dân vận, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, thực hiện chương trình “Quân chủng Hải quân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vùng đã huy động hơn 7.450 ngày công xây dựng nông thôn mới, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các địa phương nơi đóng quân, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển kinh tế; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy được 20 vụ trên 76,2 ha rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phối hợp tuyên truyền pháp luật hiệu quả

Vùng 2 đã phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Luật biển Việt Nam, tình hình an ninh chính trị trên các vùng biển, đảo; bằng chứng lịch sử về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại 10 tỉnh phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Thuận; Đồng Nai; Bến Tre; Long An; Tiền Giang; Đồng Tháp; Trà Vinh; Sóc Trăng; Bạc Liêu) trước khi chưa sáp nhập và 02 đơn vị (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Trung tâm GDQP&AN Đại học Quốc gia TP.HCM) được 323 lượt/ 228.078 lượt người.

Trước yêu cầu của Ủy ban Châu Âu EC về việc gỡ “thẻ vàng” IUU, Vùng 2 Hải quân đã phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các địa phương tăng cường phổ biến Luật Biển 2012, Chỉ thị 45/CT-TTg, các quy định chống khai thác trái phép, đồng thời giới thiệu âu tàu, làng chài, dịch vụ hậu cần-kỹ thuật của Hải quân nhằm giúp ngư dân hiểu rõ pháp luật, khai thác an toàn, đúng quy định.

Bên cạnh đó, Vùng tổ chức 12 chuyến tàu, cùng 244 đại biểu, phóng viên các cơ quan báo đài Trung ương, địa phương đi thăm, chúc tết, đưa tin về các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, các tàu trực và quân, dân huyện Côn Đảo; có nhiều phóng sự, bài viết trên các báo, đài đã tạo được hiệu ứng xã hội và sức lan tỏa rộng lớn, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu, chia sẻ với cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên các tàu, đảo, nhà giàn DK1.

Những kết quả trên, đã góp phần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế. Giúp cho ngư dân của ta yên tâm vươn khơi, bám biển, cùng với các lực lượng khẳng định và bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định trên các vùng biển.

Phát huy “thế trận lòng dân” trong bối cảnh mới

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trên biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; “nước ngoài” đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên các vùng biển nhằm thực hiện các yêu sách chủ quyền phi pháp. Trong nước, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền 2 cấp và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Để phát huy vai trò của Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển trong tình hình mới, Vùng 2 Hải quân tiếp tục kiên trì 6 nhóm giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển, trọng tâm là nghị quyết 36/NQ-TW, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chị thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định... Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương tổ chức tuyên truyền biển, đảo và thực hiện Chương trình sâu rộng, nền nếp, thiết thực, hiệu quả góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc. Tổ chức ký kết mới, bổ sung với địa phương sau sắp xếp hành chính để hoạt động không gián đoạn.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật giữa các lực lượng và chính quyền địa phương các tỉnh ven biển cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, nhất là các chủ tàu, các ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an ninh trật tự trên biển, chống khai thác thủy sản xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Ba là, đổi mới nội dung và vận dụng linh hoạt, tổng hợp nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền cho ngư dân, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân; giúp ngư dân nhận thức rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển; âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài và các thế lực thù địch đối với Biển Đông; cơ sở, lịch sử pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân xây dựng và phát huy các giá trị văn hoá biển, xây dựng để ngư dân và cộng đồng cư dân ven biển gắn bó, thân thiện với biển.

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và vai trò của các thiết chế văn hóa; chủ động biên soạn, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tranh ảnh, băng đĩa hình, dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác chính sách hậu phương quân đội, đỡ đầu các cháu con ngư dân, tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện tốt công tác dân vận, cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ Nhân dân, ngư dân.

Năm là, phát huy tối đa vai trò các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển trong phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với bảo vệ an ninh, an toàn cho ngư dân theo đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tiếp nhận và phối hợp với các lực lượng có liên quan xử lý kịp thời các thông tin do ngư dân cung cấp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên vùng biển được phân công quản lý.

Sáu là, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, kịp thời phổ biến nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới hiệu quả trong thực hiện công tác phối hợp.

Trong không khí hân hoan hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2025 – 2030, những kết quả nổi bật mà Vùng 2 Hải quân đạt được trong xây dựng “thế trận lòng dân trên biển” chính là minh chứng sinh động cho sức mạnh đoàn kết, ý chí và bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới. Phát huy truyền thống “Đoàn kết kỷ cương, dũng cảm kiên cường, khắc phục khó khăn, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 nguyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục làm điểm tựa tin cậy cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lập nhiều thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân lần thứ XIV.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên, Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận