Trường Sa điểm tựa vững chắc cho ngư dân
VOV1 - Tại các cụm đảo trên quần đảo Trường Sa đều có những âu tàu giúp ngư dân tránh trú bão và hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển, giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển.

Để hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm cho hoạt động khai thác của ngư dân tại các đảo xa bờ, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng âu tàu Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn đi kèm với dịch vụ hậu cần, kỹ thuật nghề cá. Trong đó, xây dựng một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá quy mô tại đảo khu vực đảo Đá Tây, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho các tàu cá hoạt động tại khu vực này.

Hơn mười năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hỗ trợ cung cấp dịch vụ hậu cần cho hàng chục nghìn lượt tàu cá tại khu vực quần đảo Trường Sa. Mỗi năm cấp khoảng 400 nghìn khối dầu, sản xuất 126 nghìn cây đá, 23 nghìn m3 nước ngọt phục vụ cho tàu bè trong khu vực. Ông Huỳnh Ngọc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, Bộ NN&MT, cho biết:

 Bà con đi biển bình thường khi không có trung tâm này thì có thể đi được 22 ngày lại phải về bờ để tiếp nhiên liệu và đá nó tốn chi phí cho bà con. Có công ty này thì bà con vào lấy dầu, đá.. Dầu cũng bằng giá đất liền.

Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật tại khu vực quần đảo Trường Sa thực hiện cung ứng cho ngư dân nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, đá cây bằng giá niêm yết như tại đất liền. Qua đó giúp cho ngư dân giảm chi phí và nâng cao thu nhập cho mỗi chuyến đi biển. Trong đó, hàng loạt dịch vụ hậu cần được Nhà nước hỗ trợ miễn phí, như: dịch vụ cầu cảng, neo đậu, chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão, hỗ trợ, chăm sóc, cấp phát thuốc miễn phí....  Ngay cả người dân, cán bộ chiến sỹ đang sinh sống, công tác trên đảo cũng được hưởng lợi từ các hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển. Ông Lê Văn Linh một người dân trên đảo Đá Tây cho hay:

          Các hộ dân ở đây cũng được dựa vào Trung tâm hậu cần  dịch vụ như mua sắm này kia, giá cả hợp lý cũng không mắc hơn trong bờ. Các hộ dân ở đây cũng may mắn hơn các đảo khác vì có trung tâm dịch vụ hậu cần.

Những năm gần đây, các âu tàu tại quần đảo Trường Sa đã đón hàng nghìn lượt tàu vào tránh trú bão, hơn 440 thuyền viên ốm đau, tai nạn lao động trên biển được đưa vảo đảo cấp cứu kịp thời. Trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, cho biết: Âu tàu đáp ứng phục vụ cho khoảng 200 tàu vào tránh bão. Bà con vào đây được hỗ trợ miến phí các dịch vụ. Là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân đi biển. 

Các tàu vào tránh trú bão hay cấp cứu cho ngư dân, sửa chữa máy móc, mua dầu mỡ nước ngọt..Chúng tôi tuyên truyền vị trí vai trò biển đảo, tuyên truyền về chống đánh bắt IUU của Liên minh Châu Âu. Cơ bản người dân đều hứa chấp hành nghiêm.

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước vào hệ thống hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo xa bờ đã giúp hàng chục nghìn tàu cá, hàng vạn ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển mỗi ngày. Từ đây, hoạt động kinh tế biển nước ta ngày càng ổn định, đem lại thu nhập cho người dân. Lần đầu tiên đến với Trường Sa và cũng là lần đầu đến thăm Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, ông Nguyễn Quốc Thắng, Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ NN& MT, cảm nhận:

          Tôi lần đâu tiên ra đây cũng thấy một đơn vị của Bộ NN&MT đóng ở đây. Cuộc sống của anh em ở đây cũng rất vất vả, biển đảo ở xa nhưng anh em vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Biển đảo ở xa có đơn vị đóng ở đây sẽ hỗ trợ cho những người ngư dân rất là tốt.

Giữa mênh mông biển cả, những âu tàu và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên quần đảo Trường Sa chính là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Góp phần khẳng định chủ quyền trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Mạnh Phương - VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận