Hành trình "vượt dốc" làm chủ công nghệ mới
Chuyến hành trình đến Trạm ra đa 555 bắt đầu từ chân núi Ghếch – nơi rừng cây rậm rạp ôm lấy những bậc đá gập ghềnh dựng đứng. Theo chân cán bộ chiến sĩ của Trạm ra đa 555 (Trung đoàn 351, BTL Vùng 3 Hải quân) đi bộ, leo dốc gần một giờ đồng hồ vượt gần 2.000 bậc thang đá chúng tôi mới có mặt tại nơi đóng quân của Trạm. Chỉ mang theo ba lô cá nhân mà mồ hôi chúng tôi đã ướt đẫm áo. Vậy mà đây là tuyến đường hàng ngày cán bộ chiến sĩ Trạm 555 đi lại thực hiện nhiệm vụ, tiếp lương thực, thực phẩm...
Điều khiến chúng tôi bất ngờ đó là tại nơi làm việc, các trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ quan sát hiện đại, kích thước lớn... và chắc hẳn phải có hành trình đầy gian nan mới đưa được các trang bị, khí tài đó lên đến đỉnh núi Ghếch.

Các cán bộ chiến sĩ cho biết: Hành trình lắp đặt trang bị trên Trạm khá khó khăn, để đưa khí tài lên đỉnh núi, anh em vừa leo núi vừa gùi theo linh kiện kỹ thuật nặng hàng chục ký mỗi chuyến. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không chỉ đến từ địa hình hiểm trở mà còn là việc tiếp nhận, làm chủ các hệ thống khí tài mới hiện đại – chủ yếu có tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh và tích hợp nhiều công nghệ quân sự tiên tiến.
Thượng tá Nguyễn Văn Duy – Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 351– vừa chỉ huy anh em kiểm tra thiết bị, vừa chia sẻ: “Việc tiếp nhận, lắp đặt trang bị kỹ thuật (TBKT) hiện đại được thực hiện ngay tại các điểm đóng quân. Trung đoàn cử đội ngũ cán bộ, kỹ sư trực tiếp tham gia cùng chuyên gia nước ngoài trong từng khâu lắp ráp. Chính quá trình ấy đã trở thành lớp học thực tiễn quý giá để bộ đội tiếp thu kỹ thuật, từng bước làm chủ thiết bị mới”.

Thiếu tá Lê Thanh Trúc–Trạm trưởng Trạm ra đa 555– kể: “khi tiếp cận khí tài mới, tài liệu kỹ thuật chủ yếu bằng tiếng Anh, lại cập nhật nhiều kiến thức mới. Mỗi CBCS phải tìm tòi học hỏi, nghiên cứu, chủ động dịch tài liệu, học hỏi trực tiếp với chuyên gia, học từng bước một. Quá trình đó vừa là huấn luyện vừa là sàng lọc trình độ, khả năng tiếp cận TBKT mới của từng người”.
Hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ, Trung đoàn 351 đã thành lập các tổ học tiếng Anh kỹ thuật. Không chỉ học tập trong quá trình tiếp nhận trang bị, Trung đoàn còn tổ chức thành lập các tổ học tiếng Anh, lựa chọn cán bộ có trình độ tốt làm giáo viên, đưa vào chương trình huấn luyện định kỳ. Đến nay, cán bộ, nhân viên kỹ thuật cơ bản đã có thể đọc hiểu tài liệu kỹ thuật, dịch hàng nghìn trang chuyên ngành để biên soạn tài liệu giảng dạy, huấn luyện hiệu quả.
Phần mềm mô phỏng – "bệ phóng" huấn luyện hiện đại
Tại phòng huấn luyện chuyên ngành của Trung đoàn 351, chúng tôi được giới thiệu các phần mềm mô phỏng thao tác TBKT mới. Thay vì thao tác trực tiếp trên thiết bị thật – vừa tốn kém, vừa rủi ro – bộ đội có thể luyện tập nhiều lần trên thiết bị, phần mềm mô phỏng.


Thiếu tá QNCN Phan Văn Quảng, Nhân viên ra đa Trung tâm cấp 1, chia sẻ: “Phần mềm mô phỏng giúp chúng tôi luyện tập thuần thục các thao tác xử lý tình huống. Khi chuyển sang thiết bị thật, ai cũng tự tin vận hành, bảo đảm an toàn tuyệt đối”.
Không chỉ dừng ở ứng dụng phần mềm mô phỏng, cán bộ trẻ Trung đoàn còn chủ động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những thiết bị tưởng chừng chỉ có thể nhập khẩu, giờ đã được thay thế bằng sản phẩm "cây nhà lá vườn". Từ màng bơm khối sấy khô ống sóng, thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm cho ra đa SCORE 3000, cho đến máy giả lập tín hiệu GPS cho ra đa hàng hải, bộ nạp tự động ắc quy.
Theo thống kê, hàng năm các sáng kiến đã giúp Trung đoàn tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Không ít đề tài đạt giải cao tại các hội thi Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội và giải thưởng Nguyễn Phan Vinh.
Khơi nguồn sáng tạo từ những người trẻ yêu nghề
Từ thực tiễn huấn luyện, sửa chữa, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung đoàn đã biên soạn được hàng chục tài liệu hướng dẫn sử dụng, quy trình bảo quản, bảo dưỡng khí tài mới. Nhiều sáng kiến kỹ thuật được đưa vào khai thác, sử dụng thực tế. Các công trình như bơm mỡ cho động cơ an-ten ra đa SCORE 3000, bộ nạp ắc quy tự động, máy đo nhiệt độ - độ ẩm, thiết bị đo gió... đều do cán bộ, nhân viên Trung đoàn tự nghiên cứu, chế tạo.
Thành tích ấy được minh chứng qua các giải thưởng cao tại các cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” và “Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh”: đã đạt 01 giải khuyên khích (2019), 01 giải Ba (2023) Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội; 02 giải A, 01 giả B, 01 giải C giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn phan Vinh. Năm 2025 các đề tài nghiên cứu của Trung đoàn tiếp tục đạt 01 gải ba, 01 giải khuyến khích.

“Làm chủ TBKT hiện đại không chỉ cần trình độ mà còn cần thái độ, trách nhiệm và lòng yêu nghề” . Đó là điều Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Chính ủy Trung đoàn 351 luôn nhấn mạnh. Từ chủ trương đó, Trung đoàn đã có nhiều chính sách kịp thời, động viên, khuyến khích lực lượng cán bộ trẻ học tập, sáng tạo. Những cá nhân có nhiều đóng góp được xem xét đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn, tạo điều kiện đi học trong và ngoài nước trở thành lược lượng nòng cốt trong khai thác vận hành, sửa chữa, trang bị, không chỉ trong Trung đoàn mà còn giúp các đơn vị bạn.
Trung tá Nguyễn Việt Hùng, Trợ lý kỹ thuật Ra đa, kiêm Trạm trưởng Trạm sửa chữa, chia sẻ: “Chúng tôi coi thực tiễn là nơi học tập tốt nhất. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật thường xuyên đi cơ động cùng TBKT mới để kịp thời rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình sửa chữa, bảo quản. Nhờ đó, chất lượng bảo đảm kỹ thuật ngày càng nâng cao”.
"Mắt thần" canh biển nơi đầu sóng
Nhờ những giải pháp đồng bộ, Trung đoàn 351 hiện đã làm chủ vững chắc toàn bộ hệ thống TBKT mới, hiện đại. Các trạm ra đa luôn duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, phát hiện, theo dõi, xử lý kịp thời các mục tiêu trên biển, trong vùng trời thấp, bảo vệ an toàn vùng biển được giao quản lý.

Từ Trạm ra đa 555 trên đỉnh núi Ghếch, nhìn về phía biển xanh thẳm, những “cặp mắt thần” hiện đại vẫn miệt mài quét sóng. Ẩn sau mỗi đường tín hiệu là mồ hôi, trí tuệ và ý chí kiên cường của người lính Hải quân thời đại mới – những người đang lặng thầm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi núi cao, đảo xa.
Không phô trương, không ồn ào, những người lính ra đa Trung đoàn 351 vẫn ngày đêm âm thầm thực hiện nhiệm vụ trên những đỉnh núi cao, đảo tiền tiêu – nơi các thiết bị ra đa quay đều trong tiếng gió. Họ chính là những “mắt thần” canh giữ bình yên cho biển đảo của Tổ quốc.
Đình Hướng
Bình luận