Lực lượng kiểm ngư Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động với nhiệm vụ chủ yếu là: Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật thủy sản. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản. Tham gia phòng, chống thiên tai, phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán Quốc gia trên các vùng biển Việt Nam...

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Ban Cán sự Đảng Bộ, trong thời gian qua, việc kiện toàn, phát triển lực lượng, thực thi nhiệm vụ của lực lượng kiểm ngư được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đã đạt được những kết quả nổi bật:
Về tổ chức bộ máy của lực lượng kiểm ngư:
Lực lượng Kiểm ngư Trung ương được thành lập, ra mắt, đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2014. Trong giai đoạn từ 2020 đến nay, Cục đã 2 lần thực hiện kiện toàn tổ chức cơ quan kiểm ngư Trung ương (Từ đơn vị trực thuộc Tổng cục Thuỷ sản, thành lập Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (5/2023); từ 3/2025 hợp nhất với Cục Thuỷ sản thành Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư) cùng với đó là kiện toàn, thay đổi các cơ quan, đơn vị phù hợp với mô hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Cục từng thời kỳ. Đến hết năm 2024, tổng số biên chế được giao cho Cục Kiểm ngư (nay là Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, không kể biên chế của 3 Chi đội) là 298 chỉ tiêu biên chế (130 biên chế công chức và 132 Hợp đồng 68 và 32 biên chế viên chức.
Kiểm ngư địa phương: Đến nay đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập cơ quan kiểm ngư địa phương, tuy nhiên cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của lực lượng thực hiện chức năng kiểm ngư chưa đồng bộ, thống nhất, mỗi địa phương có mô hình tổ chức và hoạt động khác nhau. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật, thanh tra chuyên ngành Thủy sản ở 28 tỉnh, thành phố ven biển khoảng 352 người.
Về đảm bảo điều kiện hoạt động cho lực lượng: Đến nay, đã cơ bản xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho lực lượng kiểm ngư thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao (hiện nay đang tiến hành rà soát, sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới).
Đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm đối với công chức ngạch hành chính và công chức chuyên ngành kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư; đã trình cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục áp dụng một số chế độ phụ cấp đặc thù cho lực lượng kiểm ngư.

Giai đoạn từ 2020 đến nay Cục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cấp chứng chỉ chuyên ngành, cấp thẻ kiểm ngư cho kiểm ngư viên trong toàn lực lượng. Ngoài ra, Cục đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng Đề án Tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến 2030, định hướng đến 2045.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Cục đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, phối hợp chống khai thác IUU. Đã thực hiện 150 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển với 2.313 ngày tuần tra trên biển, huy động 3.021 lượt cán bộ, thuyền viên tham gia, kiểm tra 6.358 phương tiện hoạt động khai thác hoạt động thuỷ sản trên biển, phát hiện 935 tàu cá vi phạm, tuyên tuyền cho hơn 55.268 ngư dân các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, thực hiện cứu hộ, cứn nạn và cấp cứu cho hơn 10 tàu cá bị tai nạn trên biển.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hàng thuỷ sản nhập khẩu bằng công ten nơ và tổ chức kiểm tra trên thực tế đối với các tàu chở hàng thuỷ sản cập cảng theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA ).
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tàu cá nước ngoài; tiến hành lập biên bản, ký xác nhận, điểm chỉ vào tổng đồ vị trí vi phạm, chụp ảnh, sau đó buộc tàu cá nước ngoài cùng thuyền viên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản phải rời khỏi vùng biển Việt Nam; đối với các trường hợp không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, khai thác gần đường phân định thì tiến hành đấu tranh, buộc chuyển hướng để di chuyển khỏi vùng biển Việt Nam.

Thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho hàng ngàn lượt ngư dân về chấp hành quy định pháp luật về hoạt động thủy sản trên biển; tuyên truyền về công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Hiểu biết quy định pháp luật về biển đảo, các quy định pháp luật về thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để từ đó nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ pháp luật, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, gia tăng giá trị kinh tế kết hợp bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo, thềm lục địa tổ quốc.
Tham gia công tác phòng chống thiên tai, thực hiện cứu hộ, cứu nạn nhiều tàu cá và ngư dân khi gặp sự cố trên biển. Đường dây nóng với các nước trong khu vực được duy trì để phối hợp, xử lý sự cố trên biển.
Để có được kết quả trên là do có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Tổ chức bộ máy của lực lượng Kiểm ngư Trung ương chưa được kiện toàn đầy đủ (chỉ mới đưa vào hoạt động 02 Chi cục Kiểm ngư Vùng, 02 Trạm Kiểm ngư, 03 Chi đội Kiểm ngư và Trung tâm Thông tin Thuỷ sản và Kiểm ngư); việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, trang thiết bị còn hạn chế; chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng thấp, không đủ thu hút nhân lực chất lượng cao vào lực lượng; biên chế làm việc cho lực lượng chưa được bổ sung và tuyển dụng đủ. Chức năng xử phạt vi phạm hành chính về thuỷ sản của chi cục trưởng chưa được giao đầy đủ. Bên cạnh đó, chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chính sách tinh giản biên chế, khả năng đảm bảo kinh phí từ ngân sách... ảnh hưởng đến việc bố trí biên chế, nguồn lực của lực lượng kiểm ngư các cấp.
Nhiệm kỳ tới đây, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ được kiện toàn, tổ chức đồng bộ, đủ mạnh, thống nhất trên toàn quốc; được bố trí đủ nhân lực, có cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện hiện đại; áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU và hỗ trợ ngư dân sản xuất, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững chủ quyền Quốc gia trên các vùng biển. Để làm được điều này lực lượng Kiểm ngư rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng các cấp một số nội dung sau:

Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển lực lượng Kiểm ngư đến năm 2030, định hướng đến 2045.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động Kiểm ngư; đặc biệt là chế độ chính sách cho thuyền viên, kiểm ngư viên và công chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực kiểm ngư.
Thứ ba, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương theo hướng chính quy, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ tư, hoàn thành việc củng cố vị trí pháp lý, mô hình tổ chức kiểm ngư địa phương; bổ sung đủ biên chế theo Đề án vị trí việc làm, đầu tư trụ sở, trang bị.
Thứ năm, triển khai đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành Kiểm ngư cho công chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu Kiểm ngư; Phát huy và khai thác tối đa Cơ sở huấn luyện Kiểm ngư tại Phú Quốc.
Thứ sáu, tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan nâng cao chất lượng công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển, kết hợp tuyên truyền về biển, đảo; lực lượng kiểm ngư sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân sản xuất thuỷ sản trên biển, góp phần vào việc gỡ thẻ vàng của EC, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn, an ninh, chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam và các nước trong khu vực về kiểm ngư để góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử phạt.
Tạ Minh Phương, TP. Tổ chức và Xây dựng lực lượng
Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Bình luận