Giải phóng Quần đảo Trường Sa: Chiến công khẳng định chủ quyền
VOV1 - Những ngày này 50 năm trước, Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Giải phóng quần đảo Trường Sa ngày 29/4/1975 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam phân tích ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm và sự chỉ đạo tài tình trong chỉ huy của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp;  đặc biệt là ý thức về chủ quyền, lòng quả cảm của người lính Hải quân và các lực lượng hợp thành sức mạnh chiến đấu, làm chủ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phóng viên: Thưa Đại tá Nguyễn Văn Sáu, xin ông cho biết ý nghĩa lịch sử trong cuộc tiến công Giải phóng Quần đảo Trường Sa?

Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Sau 50 năm, cùng với tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, việc chúng ta giải phóng quần đảo Trường Sa có ý nghĩa chiến lược, ý nghĩa lịch sử và hiện thực sâu sắc. Ý nghĩa lịch sử thì có thể khái quát trên nhiều góc độ và khía cạnh.

Thứ nhất, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm cho thắng lợi ấy mang đúng ý nghĩa trọn vẹn là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954 - 1975).

Thứ hai, khẳng định chủ quyền không thể chối bỏ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng của Tổ quốc Việt Nam từ bao đời. Đặc biệt lúc đó, một số nước cũng đang có ý định dòm ngó và sẵn sàng xâm chiếm.

Thứ ba, cho thấy tầm nhìn sáng suốt, sự chỉ đạo chiến lược chính xác, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Thứ tư, cho thấy rõ hơn vai trò của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam kết hợp với các lực lượng vũ trang hình thành nên một lực lượng tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói Việt Nam chúng ta là một quốc gia có ưu thế về biển với, hơn 3000 hòn đảo ven bờ và đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã tạo nên thế phòng thủ vững chắc từ hướng biển.

Phóng viên: Cuộc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa đã để lại những bài học kinh nghiệm gì thưa ông?

Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Cùng với giải phóng trên đất liền thì giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 càng cho thấy ý nghĩa chính trị, ý nghĩa quân sự và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong vấn đề bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Đặc biệt là diện tích chủ quyền biển đảo chúng ta lớn gấp ba lần diện tích đất liền (hơn 1.000.000 km vuông). Có thể thấy thắng lợi của chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý:

Thứ nhất là nắm bắt kịp thời diễn biến thực tế chiến trường, nắm bắt đúng thời cơ hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác.

Thứ hai là, phát huy thế tiến công chiến lược, tập trung tổ chức lực lượng, huy động phương tiện, nhanh chóng và kiên quyết hành động. Có thể nói việc giải phóng Quần đảo Trường Sa năm 1975 là hết sức khó khăn vì quần đảo xa bờ. Lúc đó các phương tiện tàu thuyền của ta còn nhỏ bé, hạn chế, điều kiện thời tiết cũng là rất khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị, với trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trước sự nghiệp cách mạng thì lực lượng Hải quân cùng với các lực lượng của Quân khu 5 khắc phục mọi khó khăn và thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa mà ít thương vong, ít đổ máu nhất.

Thứ ba là, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có thể nói, nhân tố chính trị, tinh thần bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng.Việc giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 càng thể hiện rõ việc thấu triệt quan điểm của Đảng, về quyết tâm chính trị của Đảng và Quân ủy Trung ương, của Bộ Tổng Tư lệnh, các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng được giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa đã vượt lên mọi khó khăn, khắc phục để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Thể hiện một tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng. Sức mạnh của của các cán bộ, chiến sĩ đã thực sự làm nên chiến thắng vẻ vang để cùng với giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá, phân tích sự tài tình trong chỉ huy của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa?

Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Nhắc tới vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì chúng ta thấy rằng là trên nhiều góc độ đều cho thấy tầm tư duy chiến lược của Đại tướng và tài năng quân sự đặc biệt.

Thứ nhất, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với tài năng quân sự đặc biệt của mình, ông đã sớm nhận ra thời cơ giải phóng quần đảo Trường Sa, báo cáo Bộ Chính trị thông qua. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được Bộ Chính trị thông qua và ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975.

Thứ hai, chấp hành Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra, Đại tướng thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải Quân, Quân khu 5 phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa trong thời gian sớm nhất có thể, tức là triệt để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi nhanh nhất.

Thứ ba, nhận rõ được ý đồ xâm chiếm của một số thế lực bên ngoài, Đại tướng có sự chỉ đạo rất kiên quyết, sáng suốt. Đại tướng ra lệnh rõ ràng: Khi thấy quân ngụy Sài Gòn nguy khốn thì lập tức tổ chức đánh chiếm các đảo. Trường hợp nước ngoài thừa cơ quân ngụy khốn đốn mà đã chiếm đảo, thì ta kiên quyết chiếm lại, gặp khó khăn gì phải báo cáo Tổng hành dinh. Mệnh lệnh này cho thấy trách nhiệm của Đại tướng, được truyền lửa vào mỗi cán bộ, chiến sĩ ta kiên quyết giành và giữ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc.

Thứ tư, Đại tướng thường xuyên theo dõi chỉ đạo, động viên, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ ta làm nhiệm vụ đặc biệt giải phóng quần đảo Trường Sa. Đại tướng đã trực tiếp ký điện khen: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”. Đây thực sự là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất to lớn, tạo niềm tin và quyết tâm to lớn cho cán bộ, chiến sĩ ta vượt muôn trùng khơi quyết giải phóng các đảo.

Phóng viên: Bên cạnh tài thao lược tài tình của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, giải phóng Quần đảo Trường Sa là sự kết tinh nhiều yếu tố, trong đó lòng quả cảm của người lính hợp thành sức mạnh chiến đấu. Ông có thể phân tích rõ về điều này?

Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, trận chiến đấu nào, thì lòng quả cảm của người lính luôn giữ vai trò quan trọng, trực tiếp quyết định kết quả chiến đấu tại chiến trường.

Trong đợt tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân càng được thể hiện sâu sắc, bởi hoàn cảnh rất lúc đó thật sự rất khó khăn:

Quần đảo Trường Sa ở rất xa đất liền, giữa biển khơi muôn trùng sóng gió; phương tiện tàu thuyền, trang bị vũ khí của ta cũng có hạn; môi trường chiến đấu đặc biệt khi địch ở trên đảo. Quân ta từ ngoài biển tiến công vào bao giờ cũng khó khăn hơn; không có quần chúng nhân dân hỗ trợ trực tiếp.

Tuy nhiên những người lính luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng quả cảm vô song, cán bộ, chiến sĩ ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có thể nói những người lính của chúng ta, các lực lượng, nhất là bộ đội Hải quân, lực lượng đặc công và các lực lượng được phối hợp giao giao nhiệm vụ thực hiện giải phóng Quần đảo Trường Sa thì được giáo dục, được rèn luyện và được kinh qua cả quá trình những năm trước đó. Cho nên cùng với đó chính là tinh thần chiến đấu, lòng quả cảm sẵn sàng hy sinh để giải phóng quần đảo Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc và máu thịt của Tổ quốc ta không tách rời. Cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ coi đó vừa là niềm vinh dự, vừa là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng trách nhiệm cao và chính thời điểm đó đã phát huy cao độ tinh thần, ý chí để mà thực hiện bằng được nhiệm vụ trong các đợt tiến công giải phóng từng hòn đảo và cho đến giải phóng cả quần đảo.

9 giờ ngày 29/4/1975, cờ Giải phóng đã tung bay trên đảo lớn nhất cũng là đảo cuối cùng mà quân ngụy Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

50 năm qua, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu.

Thu Lan

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận