Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm từ 173 điều của Luật hiện hành xuống chỉ còn 72 điều. Dự thảo luật đã tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật như: tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Ủy ban TVQH nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Về tham vấn chính sách, Ủy ban TVQH cho rằng đây là vấn đề mới, cần làm rõ nội dung của "tham vấn chính sách", trách nhiệm của các cơ quan được tham vấn, thời điểm thực hiện tham vấn, phân biệt rành mạch giữa "tham vấn chính sách" với "lấy ý kiến" trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết./.
Bình luận