Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ, tăng giá, buôn bán hàng hoá nhập lậu
VOV1 - Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.

Theo Cục QLTT tỉnh Cao Bằng, hiện trên địa bàn thành phố Cao Bằng có hơn 1500 hộ kinh doanh. Nhằm bảo đảm ổn định thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất, kinh doanh phát triển, lực lượng QLTT đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, siêu thị, các đơn vị kinh doanh thực phẩm thịt đông lạnh, cơ sở kinh doanh thực phẩm, chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo đúng giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, an toàn thực phẩm, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu. Đội đã tiến hành kiểm soát hàng hoá kinh doanh trên môi trường online, như: sàn thương mại điện tử, web, các trang mạng xã hội, như: fb, zalo, tiktok. Kết hợp với công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp để nâng cao hiểu biết, nhận thức trách nhiệm của người kinh doanh và người tiêu dùng. Ông Tô Vũ Đức, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Cao Bằng nêu thực tế tại địa phương: Chỉ đạo các Đội QLTT, phải bám sát vào những kế hoạch cao điểm và có những phương án cụ thể, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trên địa bàn để rà soát lại và giám sát thị trường, các hộ kinh doanh, nếu phát hiện vi phạm sẽ cương quyết xử lý nghiêm….

Ông Ngô Quang Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tháng đầu năm nay, các Đội Quản lý thị trường của tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra đột xuất gần 200 vụ, phát hiện và xử lý gần 170 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng tiêu hủy hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng Cục Quản lý thị trưởng tỉnh còn lưu giữ số lượng hàng hóa tịch thu đang chờ xử lý trị giá hơn 1 tỷ đồng. Ông Ngô Quang Nam, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ tiếp tục giảm sát và xử lý vi phạm sau Tết Nguyên đán: nêu thông tin: Để đảm bảo thị trường hàng hoá ổn định, lành mạnh sau dịp tết nguyên Đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội, Đội QLTT số 1 đã thực hiện phân công công chức thường xuyên tăng cường thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra kiểm soát. Trong dịp cao điểm, Đội đã xử lý 28 vụ việc vi phạm hành chính với số tiền trên 135 triệu đồng với các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về điều kiện, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá bán tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá phục vụ người tiêu dùng. Phân công công chức viên chức ứng trực 24/7 để xử lý các hành vi vi phạm về hàng nhái, hàng giả, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Thực hiện các hộ, chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết kinh doanh theo đúng quy định pháp luật, vận động người dân kịp thời tố giác các hành vi vi phạm về đường giây nóng của Cục QLTT để kịp thời nắm bắt, xử lý.

Theo các lực lượng chức năng, các vi phạm về giá, hàng hoá không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như: chia nhỏ hàng hoá, sử dụng phương tiện xe khách, xe tải chạy vào ban đêm để vận chuyển, hợp thức hoá hoá đơn, chứng từ, trà trộn hàng giả, hàng nhập lậu với hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ để tiêu thụ, nhất là trên không gian mạng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Ông Trịnh Ngọc Cường, Phó đội trưởng Đội Cơ động, Cục QLTT tỉnh Lào Cai cho biết: Triển khai các biện pháp nghiệp vụ cũng như là tăng cường công tác trao đổi thông tin, nắm bắt thông tin địa bàn đã kịp thời phát hiện và xử lý những vụ việc vi phạm, kịp thời răn đe đối với hoạt động kinh doanh vi phạm quy định pháp luật, kết hợp tuyên truyền đối với các cửa hành kinh doanh truyền thống và tiến hành ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tiếp tục giữ ổn định thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ, tăng giá, buôn bán hàng hoá nhập lậu, Tổng Cục QLTT đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời, nhằm ngăn chặn tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái vào hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ. Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Tổng cục QLTT, Bộ Công thương cho biết: Đường dây nóng của Tổng cục thì hoạt động thường xuyên liên tục 24/24 tại Tổng tục QLTT và 63 Cục QLTT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng cục cũng đã công khai trên trang web của Tổng cục cũng như là trên trang web của 63 Cục QLTT các tỉnh thành phố. Lực lượng QLTT cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ Đội Biên phòng Hải quan…để tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực biên giới và các cảng hàng không, các kho hàng, điểm tập kết  hàng. Và đặc biệt đối với các mặt hàng phục vụ thiết yếu cho người dân như là các mặt hàng tiêu dùng thực phẩm, rượu bia nước giải khát… thì lực lượng QLTT đặc biệt kiểm tra, giám sát các hoạt động và xử lý các vi phạm liên quan đến không niêm yết giá, hoặc là bán không theo giá niêm yết, hoặc là chất lượng, hoặc là xử lý các hành vi liên quan đến an toàn thực phẩm.

Căn cứ Nghị định 87/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá: các hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá; hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá... sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến cao nhất 30 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm; Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm. Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung, biện pháp khắc phục hậu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày. Trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm…/.

Phạm Hạnh/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận