Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn về thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử... Các mặt hàng đăng tải, giới thiệu trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện thật- giả. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian, sử dụng những người có sức ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm. Sản phẩm được phân tán nhiều nơi, nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý. Thậm chí, một thủ đoạn khác là các đối tượng tạo rất nhiều kênh bán hàng trên nhiều fanpage khác nhau, mỗi page chỉ bán một số đơn hàng là khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị chức năng. Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết: Về mặt chính sách chiến lược thì Tổng cục QLTT tập trung vào công tác chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử rất quan trọng, thứ nhất là về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm. Đề án chống gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử, phải tiếp tục tăng cường đẩy mạnh việc phòng ngừa và kiểm tra thật là chặt chẽ quyết liệt thì mới hi vọng phần nào đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, nhưng phải có trọng tâm trọng điểm.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng hiện nay diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Các sản phẩm được đối tượng nhập lậu về, sau đó dán tem nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh chân chính, gây thất thu ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thông tin: Buôn lậu gian lận thương mại và buôn bán hàng giả trên môi trường số diễn biến phức tạp, giải pháp then chốt trọng tâm vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cả người tiêu dùng khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử, đảm bảo cho hoạt động thương mại điện tử phát triển bền vững lành mạnh…
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2025 này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ dự báo đạt 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua. Đây là phương thức hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho rằng: Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ chuyển đổi số cho công tác quản lý xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan chức năng để phối hợp thực thi để phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử. Chúng ta phải nâng cao bản thân, trách nhiệm của các chủ sàn theo các quy định của Nghị định mới như Nghị định 85/2021, và đặc biệt các chủ sàn đóng vai trò là đơn vị vừa là kiểm soát làm trong sạch môi trường thương mại điện tử cùng với cơ quan chức năng để xử lý, phối hợp xử lý các đối tượng vi phạm và đặc biệt tăng cường tiếp tục triển khai các lễ ký cam kết nói không với hàng giả trên thương mại điện tử. Đó là một số nhóm giải pháp căn cơ chúng tôi cho rằng phải triển khai trong Đề án của Bộ Công thương để bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử giai đoạn 2021- 2025.
Trong năm cuối thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319), Tổng cục QLTT đề xuất cơ chế phối hợp trong đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó nhấn mạnh vai trò một số bên tham gia. Đối với chủ thể quyền: cần nâng cao nhận thức về cơ chế của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, những quyền và nghĩa vụ của chủ thể sáng tạo, chủ thể quyền hay của người tiêu dùng trong sử dụng và khai thác các sản phẩm được tạo ra từ sự đóng góp quan trọng của tài sản trí tuệ; Tuyên truyền và Hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả; Chủ động đấu tranh, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng cách tuyên truyền phổ biến, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến về chống hàng giả… không chỉ coi đây là nhiệm vụ của Cơ quan chức năng; Khi phát hiện vi phạm cần cung cấp thông tin đối tượng vi phạm cho cơ quan chức năng xử lý. Với chủ Sàn thương mại điện tử : Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã Quy định trong Nghị định 85/2021 của Chính phủ và phối hợp với Chủ thể quyền trong giải quyết khiếu nại về hàng giả; Nghiêm túc xử lý các gian hàng/người bán vi phạm. Minh bạch quy trình giải quyết khiếu nại về hàng giả và thực hiện tốt cam kết về Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử; Chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về các đối tượng vi phạm để xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật và xử lý vi pham; Xây dựng công cụ hỗ trợ giám sát (giá bán, từ khóa, hình ảnh…), giải quyết tranh chấp trực tuyến; Nâng cao năng lực phối hợp thực thi công vụ; Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp./.
Bình luận