Xanh hóa chuỗi cung ứng là xu thế tất yếu đối với doanh nghiệp
VOV1 - Chiều 11/7 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn với chủ đề “Logistics xanh – Sức bật trong biến động, kết nối cùng FIATA World Congress 2025”.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội. “Phát triển logistics xanh" là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các Bộ ngành liên quan trong bản chiến lược này. Đồng thời, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm. Nghị quyết số 163 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định “phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ: “Trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, hàng rào thuế đối ứng từ thị trường lớn như Hoa Kỳ, sự dịch chuyển và tái cấu trúc thương mại toàn cầu, tác động từ xung đột địa chính trị giữa các quốc gia, biến động giá nhiên liệu, khủng hoảng container, cùng với đòi hỏi về tiêu chuẩn ESG, Net Zero và thuế biên giới carbon… đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật mới, buộc doanh nghiệp logistics phải chuyển đổi để tồn tại và nâng sức cạnh tranh.”

  Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng cho rằng, yêu cầu chuyển đổi xanh ngành logistics đã không còn là xu hướng mà trở thành sự sống còn của doanh nghiệp trong hội nhập toàn cầu, nhưng việc thực hiện với các doanh nghiệp Việt Nam cần lộ trình và sự hỗ trợ của nhiều bên. Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam- mức độ sẵn sàng “xanh hoá” của các doanh nghiệp logistics chưa đồng đều, vẫn gặp nhiều rào cản như chi phí đầu tư cao, thiếu thông tin và thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể.

“Đặc thù của ngành logistics Việt Nam đa phần các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa, thị trường logistics được tham gia bởi hơn 40.000 doanh nghiệp, với hơn 90% và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tối ưu hóa quy trình vận hành, cắt giảm chi phí hoạt động … đó là một điều hết sức khó khăn. Chính vì vậy cần có bàn tay “nhạc trưởng” của Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực có logistics có thể chuyển đổi số, chuyển đổi xanh một cách hiệu quả nhất”, ông Đào Trọng Khoa nêu ý kiến.

          Để đẩy mạnh các doanh nghiệp Logistics Việt Nam xanh hoá trong các hoạt động, theo các chuyên gia, trước hết cần có chuyển đổi về năng lượng, các phương tiện vận chuyển cần sử dụng năng lượng điện tái tạo, hydrogen, LNG…; khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang đường thuỷ, đường sắt có năng lượng vận tải lớn. Bên cạnh đó, cần tối ưu hoá quy trình thông qua việc vận tải quy mô lớn hơn, giảm chạy rỗng, xây dựng kho, cảng thông minh. Đối với doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cần chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hoá hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.

Diễn đàn lần này đánh dấu bước chuẩn bị quan trọng cho FIATA World Congress 2025 – Đại hội toàn cầu lớn nhất của ngành logistics, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10 tới. Với chủ đề “Logistics Xanh, Thích ứng Nhanh”, Đại hội sẽ quy tụ hơn 1.200 đại biểu từ hơn 150 quốc gia, mang đến cơ hội vàng để Việt Nam giới thiệu năng lực, tầm nhìn và cam kết của mình trong việc định hình tương lai ngành logistics bền vững.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc top 5 ASEAN. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 16% đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam năm 2024 lên hơn 786 tỷ USD./.

 

Xem trên các nền tảng khác