Vì sao Việt Nam chưa nên đưa điện hạt nhân quy mô nhỏ (SMR) vào Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh?
VOV1 - Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tập trung vào 2 dự án ĐHN Ninh Thuận có công suất từ 1.000MW/tổ máy trở lên để làm cơ sở cho phát triển ĐHN ở Việt Nam sau này. Các nhà máy ĐHN quy mô nhỏ (SMR) dưới 300MW chưa được kiểm chứng, quản trị rủi ro như nhau, suất đầu tư lớn dẫn đến giá điện cao.

Tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) mới đây, người đứng đầu Bộ Công Thương thông tin “sẽ phát triển điện hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước…”. Theo các chuyên gia, Quy hoạch điện VIII tập trung phát triển điện cho giai đoạn 2021-2030, vì thế, trong thời gian điều chỉnh này chỉ nên bổ sung vào Quy hoạch các dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã được nghiên cứu từ trước để tập trung đầu tư, xây dựng tiến tới hoàn thành vào năm 2030 (chậm nhất là 2031) như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ (SMR) cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng để đưa vào Quy hoạch tổng thể điện hạt nhân cũng như các Quy hoạch điện sau này. PV Nguyên Long ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH, chuyên gia, nhà khoa học về nội dung này:

Nghe tại đây:

PGS. TS. ĐBQH Nguyễn Chu Hồi: "Tôi cho rằng đây là một chủ trương cũng như mong muốn. Tuy nhiên, để triển khai nó cũng hết sức thận trọng, Bởi vì đối với những dự án liên quan điện hạt nhân chúng ta phải chú ý đến tính nhạy cảm về môi trường. Cái này thì từ xưa nay, ngay cả những dự án chúng ta đang làm lớn đây thì cũng đã có rất nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này. Thì môi trường nó liên quan đến an toàn phóng xạ, an toàn hạt nhân, và mối liên quan rất rõ đối với các dự án này. Dự án càng nhỏ thì việc bảo vệ an toàn của nó càng khó khăn. Ngoài ra thì các điều kiện đầu tư đối với các nhà đầu tư để khai thác hiệu quả và để bảo vệ. Bởi vì điện hạt nhân dù quy mô nào thì nó cũng cần một kiến thức, kỹ năng của nhà quản lý và các kỹ sư, các nhà công nghệ để vận hành, bảo dưỡng, bảo quản nó là như nhau, chứ không phải là nhà máy điện to thì cần một người giỏi quản lý, nhà máy điện nhỏ cũng cần người phải giỏi. Chính vì thế mà khi anh đầu tư quá nhiều và tràn lan dự án nhỏ thì anh phải chú ý rằng là cái nguồn nhân lực để quản lý nó là ai, người ta có hấp dẫn không. Cho nên để làm vấn đề này thì sắp tới nên có tham kiến rất rất thận trọng và rộng rãi".

Vừa rồi là góp ý của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - ĐBQH TP. Hải Phòng bên hành lang Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khi được hỏi về chủ trương “sẽ phát triển điện hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ (SMR) trên phạm vi cả nước” và sẽ được bổ sung ngay vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh - theo dự kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện năng được giao nhiệm vụ xây dựng đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phải báo cáo Chính phủ trước ngày 28/2/2025 tới đây.

Đồng quan điểm của ĐBQH Nguyễn Chu Hồi, các nhà khoa học về năng lượng hạt nhân cũng nhấn mạnh việc cần nghiên cứu kỹ các công nghệ điện hạt nhân quy mô nhỏ (SMR) trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn này. TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN khuyến nghị, trong giai đoạn này Việt Nam chỉ nên tập trung vào các dự án điện hạt nhân đã được lựa chọn ở Ninh Thuận, có công suất lớn từ 1.000MW trở lên và đã được kiểm chứng, đảm bảo an toàn:

Nguyên Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân: Hiện nay bối cảnh mới xuất hiện các tình huống là người ta đang cố gắng là sử dụng những lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ (SMR) công suất có thể từ 100-300MW. Tuy nhiên, tôi cho là trong giai đoạn này chúng ta không nên lựa chọn. Bời vì, một là các lò phản ứng công suất nhỏ hiện nay là chưa được kiểm chứng, nó vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nếu chúng ta xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà với những công nghệ chưa được kiểm chứng thì mức độ an toàn của nó là sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai nữa là với quy mô nhỏ như thế thì không đáp ứng được độ ổn định của hệ thống điện của chúng ta, trong khi các lò phản ứng công suất từ 1.000-1.200MW thì đã được sử dụng phổ biến rất nhiều quốc gia, đã được kiểm chứng về mức độ an toàn và mức độ ổn định. Cho nên là chúng ta vẫn nên đi theo hướng là chúng ta đầu tư nhà máy điện có những tổ máy công suất từ 1.000MW trở lên, hoặc ở những vùng sâu, vùng xa hoặc những vùng mà có nhu cầu điện quy mô vừa phải chúng ta có thể áp dụng lò phản ứng quy mô nhỏ, nhưng mà phải sau khi nó đã được sử dụng rộng rãi và đã được kiểm chứng thì chúng ta mới có thể yên tâm được, còn giai đoạn hiện nay thì không nên.

Theo các chuyên gia năng lượng, để đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như bản Quy hoạch Điện VIII thiết kế thì công suất nguồn điện ở Việt Nam cần là rất lớn, lên tới khoảng 150.489 MW cho giai đoạn đến năm 2030, và định hướng đến năm 2050 lên tới 490.529 - 573.129MW. Đó là mới tính cho tăng trưởng kinh tế bình quân GDP tăng trưởng từ 7-7,5%/năm. Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất đặt nguồn điện cả nước mới đạt khoảng 83.000MW. Nguồn điện cần phát triển trong trước mắt đến năm 2030 cũng như lâu dài là rất lớn. Vì vậy, rất cần phát triển các nguồn điện ổn định có quy mô công suất lớn trong cả trước mắt và dài hạn. Với nguồn điện hạt nhân lại càng cần công suất lớn và được tập trung tại các khu vực đã có thiết kế lưới truyền tải để khai thác có hiệu quả hệ thống nguồn điện và lưới điện hiện hữu cũng như phát triển có khoa học sau này. Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Chủ tịch thường trực HH Năng lượng Việt Nam cho rằng, công tác quản trị rủi ro đối với các lò phản ứng hạt nhân dù to hay nhỏ là như nhau. Việt Nam cần những nhà máy công suất lớn đã được kiểm chứng để đảm bảo có được nguồn điện lớn mới đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo Quy hoạch điện VIII đã tính toán:

PCT HHNL Nguyễn Thái Sơn: Cái lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn, cỡ 800-1.200MW thì đã có hàng loạt các quốc gia như là Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đã xuất khẩu công nghệ này. Loại lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn này đã được kiểm chứng qua nhiều chục năm vận hành, còn cái lò công suất quy mô dưới 300MW thì đang trong quá trình thử nghiệm thôi. Vì vậy thì tôi phải khẳng định và cũng nhấn mạnh là không có lý do gì để chúng ta có thể đi theo hướng đấy cả, vì một trong các tiêu chí mà chúng ta xác định là công nghệ phải được kiểm chứng và có đủ thời gian được kiểm chứng.

Theo ông Lê Đại Diễn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo hạt nhân, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam thì ngay cả khi công nghệ lò phản ứng modun nhỏ (SMR) đã rất an toàn và được kiểm chứng thì việc đầu tư công nghệ này ở Việt Nam cho phát điện thương mại cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư, vì suất đầu tư vào công nghệ này là rất lớn, đồng nghĩa với sức chịu đựng về giá điện của Việt Nam:

Ông Lê Đại Diễn: Lò nguyên tử modun công suất dưới 300MW(e) (gọi tắt là SMR) ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Hiện tại mới chỉ có 4 lò SMR, nhưng chỉ với hai thực thể ở LB Nga (tàu Akademik Lomonosov với hai lò KLT-40S / 35MWe) vận hành thương mại năm 2020. Hai lò HTR-PM công suất 200MWe vận hành cùng một tuabin vào năm 2023 tại Trung Quốc. Do đó, để so sánh và bình luận về công suất “nhỏ” hay “lớn” cần phải có thời gian, thời gian đủ để chúng ta gọi là công nghệ được kiểm chứng (Proven Technologies)… Vì vậy, hãy còn sớm để chúng ta thảo luận chi tiết về công nghệ này. Vấn đề mà chúng ta phải đối mặt không phải là an toàn mà chính là an ninh và kinh tế.

Đầu tư vào dự án điện hạt nhân với chi phí là rất lớn, theo tính toán lên tới hàng tỷ đô la cho các dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận. Theo Luật Điện lực vừa có hiệu lực từ đầu tháng 2/2025, nhà nước đang độc quyền đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân. Giới phân tích nhấn mạnh việc đẩy nhanh đầu tư thành công các dự án này để làm nền tảng cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Việt Nam cũng nên đồng thời nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân quy mô nhỏ để trong tương lai (trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện IX cho giai đoạn sau 2040) để khi các nhà máy điện quy mô nhỏ (SMR) đã được kiểm chứng, thế giới sử dụng rộng rãi, cho giá thành phù hợp thì có thể đầu tư thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than đã không còn được sử dụng mà không thể thay thế bằng các nguồn nguyên liệu sạch, tái tạo, hoặc ở những vùng sâu, vùng xa hoặc những vùng mà có nhu cầu điện quy mô vừa phải chúng ta có thể áp dụng lò phản ứng quy mô nhỏ, nhưng mà phải sau khi nó đã được sử dụng rộng rãi và đã được kiểm chứng thì mới có thể yên tâm  sử dụng - như khuyến nghị của nguyên Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân, còn giai đoạn hiện nay ông nhấn mạnh là không nên./.

PV Nguyên Long

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận