Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025: Hoạch định và xây dựng chính sách trong thời kỳ mới
VOV1 - Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 không chỉ là nhiệm vụ thống kê mà còn là cuộc tổng rà soát toàn diện, góp phần giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng hoạch định được các chính sách đúng đắn, phục vụ người dân và đất nước, vì một nông thôn, nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một trong những cuộc tổng điều tra quan trọng nhất của ngành Thống kê, Các thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cơ cấu lao động nông thôn năm 2025 sẽ được thu thập, ghi nhận trong cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trên toàn quốc kéo dài 30 ngày, từ ngày 1/7 đến ngày 30/7. Cục Thống kê sẽ cập nhật đầy đủ thông tin nông thôn, nông nghiệp theo mô hình chính quyền 2 cấp, từ đó đưa ra những số liệu thống kê chính xác, góp phần hoạch định, xây dựng chính sách nông thôn, nông nghiệp trong thời kỳ mới của đất nước.

Sau Lễ ra quân tổng điều tra về nông thôn, nông nghiệp từ ngày 1/7, cán bộ điều tra xã Thọ Phú, tỉnh Thanh Hoá bắt đầu công tác điều tra nông nghiệp nông thôn.

Đối tượng điều tra gồm lao động tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hộ dân cư, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, UBND các xã. Là những hộ đầu tiên tiếp nhận thông tin điều tra, bà Lê Thị Toàn và ông Dương Văn Đồng, người dân ở xã Thọ Phú, chia sẻ:

 “Tôi rất phấn khởi khi Nhà nước đưa ra được mục đích cuộc tổng điều tra về nông nghiệp, nông thôn rất cụ thể. Khi tham gia, gia đình tôi phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin. Qua cuộc tổng điều tra này thì tôi cũng mong Nhà nước sẽ có các định hướng, chính sách để nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn”

 “Chủ trương của Nhà nước là điều tra, tìm hiểu, tìm điểm yếu, điểm mạnh của nông thôn để có những chính sách mới làm sao thúc đẩy kinh tế của vùng nông nghiệp, nông thôn, chúng tôi thấy vui mừng và phấn khởi cố gắng cho bà con nông dân tạo mọi điều kiện làm sao đúng chủ trương và đạt được mục đích của cuộc điều tra. 

Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu, thực hiện đồng thời hai phương pháp thu thập thông tin: Phỏng vấn trực tiếp và thu thập thông tin gián tiếp từ các đơn vị điều tra. Với hơn 113 câu hỏi trên hệ thống Capi được trang bị bởi Cục Thống kê, công việc khá thuận lợi so với cuộc điều tra thời điểm 10 năm trước. Chị Hoàng Thị Nhàn và chị Trần Thị Phượng, điều tra viên xã Thọ Phú, cho biết:

 “Chúng tôi là điều tra viên trước nay chỉ phụ trách một địa bàn, một xã 5000 nhân khẩu, nhưng bây giờ là một xã lớn khoảng 40.000 nhân khẩu, vì vậy chúng tôi cũng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên Ban chỉ đạo tổng điều tra của tỉnh luôn sâu sát quan tâm, tập huấn cho các điều tra viên. Chúng tôi cũng đã kịp thời nhận được các tài liệu hồ sơ từ các tổ trưởng điều tra của xã để cập nhật thông tin đầy đủ, trang bị nghiệp vụ điều tra để ghi nhận thông tin chính xác hơn.

“Điều tra bằng điện thoại rất đơn giản và dễ cho chúng tôi, rút gọn rất nhiều thời gian, công sức. Khi chúng tôi cần bổ sung hoặc thay đổi thông tin thì rất nhanh gọn. Chỉ cần đồng bộ lên thì ở cấp trên (huyện, tỉnh hoặc là Trung ương) đều biết được tiến độ điều tra của chúng tôi đến đâu”

Là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, tổng điều tra nông thôn tại Thanh Hóa cũng có số mẫu điều tra lớn với 452 xã (cũ), 690 nghìn hộ, 967 trang trại, hơn 1200 doanh nghiệp và hơn 700 hợp tác xã nông lâm thuỷ sản. Để đảm bảo thời hạn điều tra 30 ngày, nhiều công việc đã được chuẩn bị từ trước thời điểm 1/7. Ông Thái Bá Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, cho biết:

“Chúng tôi đã thực hiện lập bảng kê, hay gọi là điều tra phiếu bảng kê. Tính từ ngày 1/3, chúng tôi có được số liệu như ngày hôm nay. Thứ hai, đối với các phiếu xã, do thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp nên từ xã chúng tôi phải làm trước từ 15/6, đến nay đã xong phiếu xã và chỉ còn phiếu thị trấn”.

Cuộc điều tra liên quan tới 62,5 triệu dân nông thôn, hướng tới 3 mục đích, đó là biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng; phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết, tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp diễn ra vào đúng thời điểm cả nước thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tinh gọn bộ máy hành chính, ngành thống kê đã có nhiều nỗ lực để để vừa tổng hợp kết quả tổng điều tra địa giới cũ, vừa điều tra theo địa giới mới theo đơn vị hành chính mới đặc biệt là theo xã mới.  

Cục Thống kê đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Hiện, hơn 90% tổng số cuộc điều tra được sử dụng phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) hoặc trực tuyến (Webform) và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn; nghiên cứu áp dụng công nghệ máy hỗ trợ kiểm tra, rà soát mã ngành kinh tế, ứng dụng AI hỗ trợ công tác thu thập thông tin, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

“Ngành thống kê cũng đã đưa ra bộ chỉ tiêu thống nhất, trong đó có những bộ chỉ tiêu phản ánh những sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản để đánh giá, xác định được điểm đến của mình, từ đó chúng ta đồng hành để xây dựng bộ dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thứ hai là sử dụng bộ dữ liệu để xây dựng kế hoạch chính sách, đồng thời hướng đến những phát triển bền vững mang tính định hướng, ví dụ như ứng dụng tối đa công nghệ xanh, công nghệ số vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của nông dân và nông thôn” Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính nêu rõ.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 không chỉ là nhiệm vụ thống kê mà còn là cuộc tổng rà soát toàn diện, khoa học và chính xác về thực trạng khu vực nông thôn, nông nghiệp. Do đó, sự hợp tác của mỗi người dân sẽ góp phần quan trọng tạo nên bức tranh toàn diện về nông thôn Việt Nam, góp phần giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng hoạch định được các chính sách đúng đắn, phục vụ người dân và đất nước, vì một nông thôn, nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững./.

Kim Thanh-VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận