Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ
VOV1 - Ngay sau khi thông tin cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra lúc 20h00 ngày 02/7/2025 - giờ Việt Nam), trên các diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia phân tích kỳ vọng những tín hiệu tích cực về quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

 

Nghe âm thanh tại đây:

 

Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản lớn của Việt Nam, với kim ngạch dao động từ khoảng 1,7-2 tỷ USD/năm (chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam). Từ kết quả 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 891 triệu USD - dù vẫn tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7 (thời điểm Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng mới) - tuy nhiên, từ tháng 6 nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh rủi ro bị đánh thuế cao. Vì thế, thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra đêm qua (02/7) được bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đem lại rất nhiều hi vọng cho doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản nói riêng, doanh nghiệp xuất khẩu nói chung:

"Mặc dù là chưa có những con số cụ thể về mức thuế đối ứng mà phía Hoa Kỳ sẽ cắt giảm cho Việt Nam, nhưng mà những thông tin ban đầu về những cam kết của Tổng thống Hoa Kỳ đối với Tổng Bí thư trong cuộc điện đàm cũng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam một niềm hy vọng vào một kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới - với mong muốn là thuế đối ứng sẽ xuống tới mức mong đợi của doanh nghiệp - ít ra cũng có đủ mức để có thể cạnh tranh được với các nước đối thủ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tại thị trường Mỹ hiện nay. Nếu như mà thuế đối ứng ở mức thuận lợi thì kỳ vọng là xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm có thể tương đương như là nửa đầu năm, hoặc cũng đạt được một kết quả tích cực".

Cũng theo bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực vào thị trường Hoa Kỳ là tôm, cá ngừ và mặt hàng cá tra. Vì thế, việc Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường nếu sớm đạt được sẽ rất thuận lợi cho các ngành hàng này: "Đề xuất của Tổng Bí thư với phía Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là một đề xuất rất là hợp lý và rất mong đợi đạt được kết quả với đề xuất này. Bên cạnh việc giảm thuế đối ứng thì đề xuất này nếu như được Hoa Kỳ chấp nhận thì mang lại lợi thế rất lớn cho ngành thủy sản, nhất là đối với các vấn đề mà Hoa Kỳ hiện nay đang áp dụng thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá đối với ngành hàng tôm và cá tra Việt Nam. Nếu như mà yêu cầu đó được cải thiện thì ngành cá tra cũng như ngành tôm rất có khả năng sẽ thoát khỏi được vụ kiện thuế chống bán phá giá".

Mặc dù chưa có công bố chính thức về mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, song, những thông tin ban đầu được Tổng thống Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social về một thỏa thuận thương mại với Việt Nam - theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân là “không quá tệ”. Và, nếu Hoa Kỳ áp các mức thuế quan khác nhau theo tỷ lệ nội địa hoá thì sẽ là tin tích cực đối với mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam:

"Cũng theo thông báo kết quả ban đầu của cuộc điện đàm thì Mỹ có thể áp dụng các mức thuế quan khác nhau đối với hàng hóa có xuất xứ toàn bộ vào Việt Nam và hàng hóa mà không có xuất xứ Việt Nam thì tôi nghĩ đấy cũng là một cái tin có lẽ ở góc độ nào đó thì nó sẽ tích cực. Bởi vì lâu nay thì Việt Nam thì đang gặp phải vấn đề là phụ thuộc rất nhiều cái nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Vì vậy thì đây sẽ là khuyến khích khi mà thuế áp dụng đối với hàng hóa có toàn bộ nguồn gốc từ Việt Nam thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ tự chủ phát triển vùng nguyên liệu tại Việt Nam cũng như là công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam để bớt phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, nhằm hưởng mức thuế quan thấp hơn từ thị trường Mỹ. Thì tôi nghĩ đấy cũng là một cái tích cực để giúp cho Việt Nam có thể phát triển công nghiệp phụ trợ hay là vùng nguyên liệu để hỗ trợ công nghiệp chế biến, chế tạo..."

PGS. TS Phạm Thế Anh cũng đánh giá cao việc Hai nhà Lãnh đạo đã thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao và việc Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao: "Khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì sẽ giúp cho vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế rất là tốt, có thể giúp cho Việt Nam trong việc tiếp cận vốn vay trên thị trường quốc tế một cách rẻ hơn, có thể thu hút được nhiều các dòng đầu tư quốc tế hơn vào Việt Nam, và đồng thời Việt Nam thì cũng được gỡ bỏ những hạn chế trong việc nhập khẩu các công nghệ cao từ Mỹ … thì tôi nghĩ rằng đây là tin rất là tốt đối với Việt Nam"./.

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận