Tiếp lửa cho miền Nam, thắp lửa cho hoà bình
VOV1 - "Những năm 1960-1975, người thợ điện Thủ đô quyết tâm giữ dòng điện cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, để tiếp lửa cho miền Nam ruột thịt. Giờ đây, "người lính áo cam" mang trọng trách giữ tuyệt đối an toàn cho dòng điện sáng, bởi “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu".

Trong dòng chảy của lịch sử, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến dịch “Sấm rền” đánh phá miền Bắc (cao điểm từ tháng 3/1965 đến cuối tháng 10/1968) chúng nhằm vào các mục tiêu quân sự và kinh tế ở miền Bắc. Tất cả các cơ sở công nghiệp của miền Bắc, Hà Nội, Hải Phòng bị đánh phá hết sức ác liệt, với quy mô lớn, hòng phá huỷ tiềm lực kinh tế, huỷ diệt các cơ sở công nghiệp, đầu mối giao thông... để cô lập các thành phố này, cắt đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Thế nhưng, dưới làn đạn bom khốc liệt, hệ thống lưới điện cấp cho các phụ tải trọng điểm đã nhanh chóng được khôi phục trở lại, kịp thời đáp ứng cho sản xuất và lưu thông.

Và những ngày này, trong dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất đất nước, những người thợ điện mang trọng trách giữ tuyệt đối an toàn cho dòng điện sáng, bởi “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”. PV Nguyên Long ghi lại cảm xúc của những người thợ điện về những năm tháng giữ cho dòng điện được thông suốt, bảo đảm sản xuất ở miền Bắc, tiếp lửa cho miền Nam ruột thịt. Và tinh thần ấy, truyền thống ấy được những thế hệ người lao động ngành điện tiếp nối, để dựng xây đất nước, góp phần xây nền hoà bình vô giá ngày nay.

Theo lời kể của bác Nguyễn Ngọc Huấn (1950), nguyên Chủ tịch công đoàn Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và bác Dương Văn Mích (1947), nguyên Chủ tịch công đoàn Công ty Điện lực Hai Bà Trưng - những “cựu binh” của Sở quản lý phân phối điện Thủ đô - thì thời điểm những năm 1960-1970, hệ thống lưới điện cao thế của Thủ đô mới chỉ đến cấp điện áp 35kV, nhưng là nguồn điện lớn, quan trọng cho sản xuất và đời sống. Lưới điện 35kV kết nối từ Nhà máy điện Yên Phụ đến “Trạm trung gian Mai Động”, từ đây có hai lộ đường dây cấp điện cho Nhà máy Dệt 08/3 và các nhà máy như Cơ khí Thuỷ lợi, Phân Lân Văn Điển, Pin Văn Điển, Kho 6, Ga Văn Điển... Các cơ sở công nghiệp này nhiều thời điểm bị bom Mỹ đánh phá suốt ngày đêm. Chúng đánh vào hệ thống điện hòng làm tê liệt sản xuất nên lưới điện bị hư hỏng rất nặng nề.

"Thứ nhất là dệt 8/3 (lúc đó mình đã có nhiều nhà máy dệt đâu, mới có Dệt Nam Định và sau đó có Dệt 8/3. Rồi sau này nữa thì có thêm một số nhà máy dệt địa phương, như Dệt 19/5, Dệt bạt công nghiệp và một số xí nghiệp dệt nhỏ. Cho nên các nhà máy này cũng là xí nghiệp trọng điểm của nhà nước, vì nó cấp nguồn vải cho quân đội và cho cả nhân dân của mình nữa. Nhà máy rượu Hà Nội cũng là xí nghiệp trọng điểm. Rượu lúc đó thật ra là phục vụ xuất khẩu cho Nga để đổi lấy vũ khí thôi/quan trọng/là nó như thế, và còn sản xuất cồn y tế để phục vụ cho các bệnh viện. Thế rồi dưới Lĩnh Nam có Nhà máy phân lân Văn Điển, Nhà máy Pin Văn Điển  - đấy là những hộ phụ tải trọng điểm, phải đảm bảo điện liên tục cho họ. Có nghĩa là những hộ trọng điểm ấy khi mà bị đánh phá xong thì làm sao lại phải khắc phục nhanh nhất, đóng điện nhanh nhất. Phân lân Văn Điển thì phục vụ cho nông nghiệp, nhưng thật ra là sản xuất cả thuốc nổ/vũ khí súng đạn - tất nhiên là về họ phải điều chế nhiều hóa chất khác, nhưng nó là nguồn đầu tiên…  Bọn tôi thì trong nội bộ nhiều khi cũng được thông tin ở một giới hạn/mức độ thôi, để biết độ quan trọng để  có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ… Bác Nguyễn Ngọc Huấn và bác Dương Văn Mích kể cho chúng tôi.

Hiểu được tầm quan trọng của việc cấp điện cho các phụ tải quan trọng này, được cấp tấm phù hiệu “Phòng không nhân dân” nên những người thợ điện tăng thêm niềm tự hào khi được giao nhiệm vụ. “Thực ra, chỉ tâm nguyện làm sao là khi được giao nhiệm vụ thì làm nhanh nhất để khôi phục lại điện thôi. Là vì thế này, lúc báo động thì anh em chúng tôi được trang bị chiếc phù hiệu “Phòng không nhân dân”/nghĩa là được đi vào những khu vực vừa bị đánh phá ấy. Mỗi người được trang bị như vậy thì khi bắt đầu có còi báo động thì lực lượng này được đi trên đường, được đến nơi trực để tập trung chuẩn bị cho khắc phục hậu quả, giải quyết các sự cố. Thế cho nên cứ khi có tiếng còi báo động là ở đâu thì ở, kể cả đêm hôm, ở nhà cũng phải đến. Thế còn đang trên đường đi làm ban ngày - theo giờ hành chính thì có báo động là phải về trụ sở làm việc. ngay. Khi máy bay vào đánh phá xong rồi thì phải đi nắm lại tình hình và có biện pháp khắc phục ngay những tuyến đó. Cho nên lúc đó thực ra trong tâm trí của anh em chúng tôi là chỉ có làm sao để hoàn thành nhiệm vụ thôi, không có sợ...

Chiếc kìm cắt sắc bén luôn trong túi. Chiếc “tô-vít” cán gỗ được cất giữ cẩn thận bên người. Những chiếc thang tre đa năng lúc thì làm cột, khi lại làm thang. Không có nó không dựng được cột. Nhưng khi cột gãy đổ, thang lại được tranh thủ dùng làm cột tạm để khắc phục ngay các sự cố do bom đạn dội vào làm gián đoạn đường dây… Không sợ hãi. Không quản khó khăn nguy hiểm, ngay sau khi lưới điện bị bom đạn đánh phá là họ nhanh chóng lên đường để khắc phục các sự cố, để làm sao cấp điện nhanh nhất.

"Khắc phục vất vả quá, mệt chứ, sức con người cũng oải, có khi hàng chục ngày đêm, một ngày chỉ ngủ được có mấy tiếng thôi, tranh thủ ngủ thôi. Là vì ban ngày có khi báo động liên tục. Có những cao điểm đánh phá một ngày không biết bao nhiêu lần, một lúc lại báo động máy bay địch cách Hà Nội bao nhiêu cây chuẩn bị chiến đấu với các thứ… Thế xong đêm hôm thì lại đi khắc phục, bom đánh xong thì lại đi khắc phục ngủ. Thế cho nên nhiều lúc anh em mệt quá, ngủ ngồi trên cột, nhiều anh em cũng mệt quá dựa lưng vào cột ngủ… Nó đủ thứ thiếu ấy, nhưng tinh thần nó vui, không ngại một cái gì cả. Mà không được tham gia là cũng cảm thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, như có một cái gì đấy không được tổ chức tín nhiệm. Chứ còn hỏi nhớ lúc bấy giờ thế nào, tinh thần thế nào thì nói thật là không biết thế nào, nhưng đúng là tinh thần lúc bấy giờ như thế" - hai bác nhớ lại.

Lời thề quyết tử “Tim ngừng đập, máu ngừng chảy nhưng dòng điện không bao giờ tắt” dường như đã ngự trị trong từng hơi thở của những thợ điện ngày ấy, và cho đến bây giờ.

Công nhân quản lý vận hành lưới điện của Điện lực Sài Gòn Dương Tùng Vĩnh Lộc đang trong ca trực chuẩn bị cho việc cấp điện dịp lễ 30/4/2025 chia sẻ: "Mình rất vinh dự được tham gia cùng tất cả anh em cơ quan ngành điện góp phần phục vụ cho lễ hội một cách an toàn. Rất là vinh dự vì Thành phố mình là lần đầu tiên đăng cai tổ chức lễ hội mang tính chất chính trị  và lớn nhất cả nước, thì mình rất vinh dự  và anh em rất vui vẻ và cam kết sẽ thực hiện tốt để phục vụ cho công tác giữ an toàn lưới điện cho lễ hội được diễn ra tốt đẹp".

Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là ngày lễ lớn của dân tộc với rất nhiều các chuỗi hoạt động sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, TS. Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có tới hơn 30 sự kiện diễn ra từ tháng 2 đến giữa tháng 5/2025. Là đơn vị trực tiếp cung cấp điện cho các sự kiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm Tổng công ty đã triển khai rất nhiều giải pháp để đảm bảo điện an toàn tuyệt đối và ổn định cho tất cả các sự kiện này, đặc biệt là các sự kiện quan trọng có sự tham gia của đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, ở các khu vực tập trung đông người, các sự kiện diễn ra lễ hội, những buổi biểu diễn văn nghệ để người dân Thành phố và nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đến chung vui, chào đón ngày lễ kỷ niệm này. "Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo điện như có nguồn điện dự phòng ,có các thiết bị phụ trợ như máy phát, các bộ lưu điện UPS để đảm bảo điện làm sao cung cấp liên tục, tuyệt đối không để xảy ra sự cố trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện này. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với tất cả các cơ quan hữu quan như là lực lượng công an thành phố, lực lượng quân đội, lực lượng an ninh để đảm bảo làm sao tất cả mọi tình huống thì đều không bị động và đều có phương án đảm bảo".

Tất cả đã sẵn sàng. Các phương án cung cấp điện đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, đáp ứng tiến độ và yêu cầu đề ra. Và mặc dù đã có rất nhiều kinh nghiệm cấp điện cho các sự kiện chính trị lớn của đất nước, song mỗi người thợ điện luôn ý thức được rằng “Tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo điện đối với sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của quốc gia”.

Dù đã chuẩn bị tới 3-4 nguồn điện dự phòng, và công nghệ hiện đại đến đâu, thì yếu tố con người vẫn mang yếu tố quyết định. Việc tuân thủ nghiêm ngặt phương án đã được duyệt và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, sẽ đảm bảo cho dòng điện an toàn tuyệt đối, phục vụ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)./.

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận