Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu ngành điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 60,8 tỷ USD, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm trước, giúp ngành tiếp tục giữ vững vị thế là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế xuất khẩu. Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi quyết đoán giúp thúc đẩy nội lực – từ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực nội địa hóa cho đến chủ động trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi. Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam Trần Hồng Quân cho rằng cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp để tạo sức mạnh: “Ví dụ như Foxconn của họ đầu tư vào Việt Nam tới 1,5 tỷ đô, mà phục vụ chủ yếu cho ngành điện tử. Thứ hai nữa là đơn vị Luxshare chẳng hạn hiện tại bây giờ có đến 6 nhà máy tại Việt Nam, cung cấp tới 40.000 nhân lực trong lĩnh vực điện tử. Đây là một con số rất ấn tượng, cho thấy xu hướng chính trên thị trường về nguồn cung hay là chuỗi cung ứng. Chúng tôi là nhà tổ chức hội thảo triển lãm chúng tôi không chỉ là nơi trưng bày, nơi triển lãm những công nghệ kết cấu, mà chúng tôi mong muốn hơn nữa là kết nối công nghệ tiên tiến, những nhà sản xuất, những nhà hoạch định chính sách hay là những đơn vị sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta có thể kết nối được những công nghệ mới nhất đặc biệt cho ngành điện tử, ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, thông qua những chương trình chúng ta có thể chia sẻ kiến thức, những tầm nhìn, những chiến lược của ngành với tất cả mọi người, hay kết nối được tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành.”
Theo các chuyên gia, ba vấn đề cốt lõi đang định hình tương lai ngành điện tử Việt Nam, đó là: Việt Nam nổi lên như điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách phát triển bán dẫn và R&D; và AI – tự động hóa đang làm thay đổi bản chất sản xuất, đòi hỏi chuẩn hóa công nghệ và đầu tư vào nguồn nhân lực. Công ty CP công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông thành lập năm 2011, nhưng xác định rõ sứ mệnh “chủ động nghiên cứu phát triển sản phẩm, chủ động sản xuất, làm chủ các hệ thống quản lý trong sản xuất”. Đến nay công ty đã có 7 dây chuyền SMT tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, cuối năm nay sẽ khánh thành 1 nhà máy có 10 dây chuyền SMT. Công ty đang gia công xuất khẩu cho các thị trường Mỹ, châu Mỹ, Hàn quốc với giá trị xuất khẩu khoảng 80 tỷ đồng trên 3.500 tỷ đồng doanh thu của công ty. Từ năm 2019, công ty có thể tự thiết kế và sản xuất sản phẩm cho các đối tác nước ngoài. Ông Trần Đức Hoà- Phó Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) cho biết: “Để có được doanh thu thành công và sự tin tưởng của khách hàng như ngày hôm nay thì Vnpt Technology đã không ngừng cải tiến chất lượng, tối ưu về hiệu quả sản xuất và đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số AI hoặc là Iot vào trong sản xuất. Ví dụ như là nhà máy của Vnpt Technology thì đã đầu 41 số robot tự động lắp vỏ, tự động bắt vít, khắc laser, camera tự động đánh giá ngoại quan của sản phẩm và robot tự động Test tính năng của sản phẩm. Dự kiến trong năm nay và những năm tiếp theo thì Vnpt Technology tiếp tục đầu tư thêm các robot tự động hóa nữa bởi vì thị trường lao động Việt Nam hiện nay khá thiếu công nhân, đặc biệt là khi mà có rất nhiều nhà máy muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam thì vấn đề công nhân cũng là vấn đề rất đau đầu mà phải đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh tự động hóa để giảm bớt phụ thuộc.”
Tuy nhiên, đằng sau các con số ấn tượng là những thách thức thực tế: 100% giá trị xuất khẩu điện thoại đến từ FDI nhưng 80% linh kiện vẫn phải nhập khẩu; hơn 90% nhà cung ứng cấp 1 là doanh nghiệp nước ngoài; khả năng R&D trong nước còn hạn chế và Việt Nam chủ yếu vẫn đóng vai trò lắp ráp. Những thách thức đó cũng cho thấy, đây là thời điểm bản lề để Việt Nam chuyển mình – từ một trung tâm lắp ráp sang một quốc gia sản xuất có chiều sâu. Từ thực tế này, rất cần sự năng động, sáng tạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp- nhà trường. TS Nguyễn Đức Minh- Phó hiệu trưởng Trường Điện- điện tử, Đại học Bách khoa Hà nội cho biết: “Hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có tiền, không thể nào mà đầu tư cả mấy chục tỷ, thậm chí là cả trăm tỷ cho dây chuyền tự động, rồi dùng AI rất là đắt tiền, sẽ là theo tôi khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên là chúng ta lại có cơ hội và thuận lợi là gì, người Việt được cái là nhanh, là mềm dẻo trong việc áp dụng công nghệ. Ví dụ như bách khoa chẳng hạn, chúng tôi áp dụng những giải pháp AI rất đơn giản. Chúng tôi đã bán được cho Denso, họ sẵn sàng có thể đem ra áp dụng cho toàn cầu, cho Denso Nhật Bản luôn, thì những giải pháp nó rẻ tiền hơn rất nhiều so với việc mình mua cái máy kiểm soát chất lượng bằng AI của các tập đoàn hàng đầu, giá vài triệu đô một cái máy thì rất là đắt”
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) - Phó Chủ tịch, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ (VASI), điện tử là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2024, đạt 126,7 tỷ USD. Trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với ngành điện tử có tỷ trọng xuất khẩu sang nước này lên tới hơn 40% trong một số phân khúc. Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu lớn nhất, chiếm tới 80% linh kiện và nguyên liệu cho ngành điện tử Việt Nam. Theo các nhà phân tích, bối cảnh hiện nay là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thương mại điện tử xuyên biên giới. Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) - Phó Chủ tịch, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ (VASI) khuyến nghị: “Các doanh nghiệp cần đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 FTA mà Việt Nam đã ký với gần 70 nền kinh tế, để giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời nghiên cứu các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông hoặc châu Phi; đầu tư vào nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu tại các thị trường mới như Ấn độ”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, cần đầu tư vào công nghệ và sản phẩm xanh, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện môi trường để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Xuân Lan- VOV1.