Thẩm tra Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi)
VOV1 - Theo kế hoạch, Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2025 theo quy trình một kỳ họp. Ngày 19/4/2025, Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã thẩm tra Dự án Luật này.

Nghe tại đây: 

Báo cáo tại phiên thẩm tra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau 15 năm thi hành kể từ đầu năm 2011 đến nay, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sản xuất xanh trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các công cụ chính sách như thuế carbon; Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM); nhãn xanh; hộ chiếu carbon… Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tạo hành lang pháp lý mới, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lực cạnh tranh và thích ứng với các quy định mới về phát thải toàn cầu. Đồng thời, góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Ban soạn thảo khẳng định, Dự án Luật tiếp tục kế thừa 30 điều trên tổng số 48 điều của Luật hiện hành, đồng thời điều chỉnh theo hướng tinh gọn, hiện đại hóa công tác quản lý và tương thích với thông lệ quốc tế. Theo đó, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương và bộ, ngành quản lý chuyên ngành; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ( Dự thảo đề xuất cắt giảm 2/4 thủ tục hiện hành, tương ứng tỷ lệ 50%), trong đó có việc chuyển thủ tục cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sang hình thức doanh nghiệp tự công bố và dán nhãn. Đồng thời, bỏ thủ tục cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng, hướng đến mô hình quản trị năng lượng chủ động hơn…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định, điểm mạnh của Dự thảo luật lần này là sự tương thích cao với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các nội dung đã nêu trong COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, các điều khoản sửa đổi không mâu thuẫn với các điều ước đã ký kết và không có yếu tố phân biệt giới…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, có ít nhất 3 nội dung chuyển đổi cần đặc biệt lưu ý, đó là: Chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh. Ba vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời là những nội dung hết sức quan trọng.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN &MT của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban KHCN&MT tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với những lý do đã nêu tại Tờ trình (số 176/TTr-CP) của Chính phủ.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương xây dựng dự án Luật và đồng tình với 4 nhóm nội dung được Chính phủ trình. Song, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá từng nội dung trong 4 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để đồng bộ, các nội dung sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN &MT của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, nội dung về lập “Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ” là một trong những nội dung quan trọng nhất của Dự thảo Luật sửa đổi lần này. Quỹ được thiết kế theo định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với 2 luồng ý kiến: (1) tán thành và (2) góp ý tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, ông Nguyễn Phương Tuấn nêu ý kiến của Thường trực Uỷ ban, cho rằng: "Việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là có cơ sở để đưa vào trong luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải quy định rõ ràng và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong Dự thảo Luật, làm cơ sở cũng như căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn việc thực hiện. Cân nhắc việc sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia (Natif) cho việc hỗ trợ tài chính, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…"

Tại phiên thẩm tra, các đại biểu cũng đã tham gia góp ý vào những nội dung liên quan đến dán nhãn năng lượng và các tiêu chuẩn hàng hóa liên quan; hỗ trợ nhóm yếu thế vùng sâu, vùng xa; dịch vụ ESCO; biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị; biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng; cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chứng chỉ quản lý năng lượng…

Ông Nguyễn Công Thịnh, đại diện Bộ Xây dựng tham gia giải trình tại phiên họp nêu quan điểm: "Vấn đề về phân cấp, ủy quyền trong việc ban hành danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thì chúng tôi cũng rất tán thành với quy định hiện nay là chính sách của Nhà nước là chúng ta phân cấp ủy quyền rất mạnh cho địa phương; thế và cũng không đâu nắm bằng địa phương. Bởi vì vấn đề về tiêu thụ năng lượng thì chủ yếu là điện và đâu đó có thêm than và dầu nữa, thì cái này là Sở Công thương địa phương sẽ nắm rõ nhất và họ sẽ công bố danh mục này, chứ còn Chính phủ thì phải quy định về định mức thế nào là trọng điểm, ví dụ như quy định là 300 TOE đối với nhà máy công nghiệp hay 200 TOE đối với tòa nhà - chẳng hạn thế…"

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) giải trình, làm rõ một số ý kiến còn băn khoăn tại phiên thẩm tra, như việc dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với một số thiết bị điện: "Nhãn năng lượng thì cho đến nay thì chỉ áp dụng với thiết bị sử dụng năng lượng và nó thể hiện rằng là cái thiết bị này sẽ sử dụng năng lượng ở cấp độ nào. Và Nhãn thì có 5 sao (từ hạng 1 sao đến 5 sao), và càng nhiều sao thì càng tiết kiệm năng lượng. Thì cái này thứ nhất là để phục vụ cộng đồng, các hộ gia đình khi người ta đi mua các sản phẩm thiết bị điện như điều hòa, ti vi thì người ta biết rằng mua cái 5 sao thì tốt hơn cái 1 sao về tiêu thụ năng lượng. Và thứ 2 nữa là bản thân các doanh nghiệp khi người ta đưa ra thị trường một sản phẩm mà người ta được dán nhãn nhiều sao thì cũng là một trong những hình thức để quảng bá cho các sản phẩm đó. Và hình thức dán nhãn này là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ để giảm hiệu suất tiêu hao năng lượng cho các sản phẩm. Thì cái này là tất cả các nước đều làm, và nhãn này thì là bắt buộc. Tuy nhiên, để cải cách hành chính thì trong đề xuất này Bộ Công thương cũng như Chính phủ cũng đồng ý là trước đây thì Bộ Công Thương sẽ cấp cho các nhãn này, nhưng bây giờ thì các doanh nghiệp là tự dán, và Bộ Công Thương cũng như các Sở Công thương sẽ đi kiểm tra theo hình thức hậu kiểm...".

Kết luận phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị các nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là trong lĩnh vực phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, và khẳng định: các điều kiện về hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản đảm bảo. Bộ Công Thương cần tham mưu Chính phủ để bổ sung thêm một số dự thảo văn bản hướng dẫn thực thi Luật.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV. Vì vậy, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch phối hợp cụ thể và chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để đảm bảo tiến độ../.

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận