Những năm qua, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến với Thái Nguyên đều được hưởng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư hấp dẫn về đất đai, hạ tầng, sự tích cực của chính quyền địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp. Có được kết quả này là do Thái Nguyên đã thực hiện đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025). Đây là hướng đi, tư duy mới, khẳng định quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên xây dựng, tạo lập một môi trường đầu tư lý tưởng. Với tầm nhìn dài hạn, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định doanh nghiệp là bạn đồng hành để phát triển kinh tế - xã hội, luôn cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhất.
Ông Zang He Phen, Giám đốc Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam, cho rằng:
Cùng với những chính sách cải cách của Chính phủ Việt Nam chúng tôi cũng nhận thấy những ưu điểm của Thái Nguyên. Điều quan trọng là vị trí địa lý chỉ di chuyển trong vòng 2 giờ tới các chuỗi phụ trợ của Samsung.
Ông Kim Zang Win, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dongwoa Việt Nam cũng có chung nhận xét như thế này:
Chúng tôi quyết định đầu tư ở Thái Nguyên vì chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và thân thiện. Đặc biệt nhiều tiềm năng về nguyên liệu gỗ phù hợp với doanh nghiệp chúng tôi.
Trước xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng hấp dẫn để đón nhận dòng vốn FDI dịch chuyển. Năm 2021, Thái Nguyên đã thu hút hơn 920 triệu USD vốn FDI. Sau 5 năm, lũy kế đến nay Thái Nguyên đã có 217 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 11 tỷ USD. Các dự án FDI đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.
Để thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ hậu cần, thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND thành phố Sông Công, cho biết:
Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm quỹ đất thành phố, tuyên truyền vận động nhân dân. Đến thời điểm này khu vực Sông Công giai đoạn 2 ở xã Bá Xuyên, diện tích khoảng 120 ha đã đủ điều kiện và phối hợp với nhà đầu tư khởi công dự án.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước dự báo có những diễn biến phức tạp, tỉnh Thái Nguyên sẽ chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10,5% trong năm 2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung triển khai 4 kế hoạch, gồm: Kế hoạch thu hút các dự án ngoài ngân sách lớn dự kiến đầu tư trong năm 2025; Kế hoạch phát triển cộng đồng doanh nghiệp địa phương dựa trên sức mạnh nội lực kết hợp thế ngoại lực; Kế hoạch thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu Data Center phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Đề án Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và hệ sinh thái dịch vụ và phát triển kinh tế không gian tầm thấp. Ông Nguyễn Đình Việt, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, cho biết:
Tỉnh Thái Nguyên tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thủ tục hành chính, thời gian cấp phép trong vòng 15 ngày từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ với điều kiện ưu đãi nhất. Ngoài những ưu đãi của Nhà nước thì Thái Nguyên cũng có những chính sách đối với dự án có vốn lớn, sử dụng nhiều lao động. Tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo lao động.
Từ hiệu quả thu hút đầu tư, điểm nhấn là các dự án đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia đã giúp cho Thái Nguyên bứt phá tăng trưởng kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, địa phương giàu có, sung túc, hạnh phúc và phát triển./.
Mạnh Phương - VOV1
Bình luận