Sau thuế quan, vẫn còn nhiều dư địa hàng hóa  xuất khẩu cho cả Việt Nam –Hoa Kỳ.
VOV1 - Sau thuế đối ứng, vẫn còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại. Hai nước bổ trợ cho nhau chứ không hẳn là cạnh tranh”. Chuyên gia Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng, nhận định.

     “Sau thuế đối ứng, vẫn còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại. Hai nước bổ trợ cho nhau chứ không hẳn là cạnh tranh”. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm “30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững”, do báo Tiền phong tổ chức sáng nay tại Hà Nội. 

      Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhận định: hành trình quan hệ Việt – Mỹ trong 30 năm qua là hành trình tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin. Sau 30 năm, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất với những thành tựu vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. thương mại song phương Việt-Mỹ đã tăng trưởng nhanh chóng, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng "hơn 300 lần" từ 500 triệu USD năm 1995 lên 150 tỷ USD năm 2024.

     Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam  và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã chọn thị trường Việt Nam để đầu tư. Hiện, Mỹ đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với khoảng 12 tỷ USD vốn đăng ký. Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng, sau thuế quan, đây là những dư địa rất lớn để kinh tế thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

                                      Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

       “Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Thứ nhất, liệu Việt Nam có còn dưa địa để phát triển quan hệ thương mại với Mỹ trên lĩnh vực xuất khẩu? Có chứ. Tôi cho rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa". TS Cấn Văn Lực phân tích.  "Thứ hai, việc Việt Nam tiến hành cải cách lần 2 rất sôi động và quyết liệt. Doanh nghiệp nhìn chung rất phấn khởi với các chính sách cải cách hiện nay. Thứ ba là vấn đề thuế đối ứng buộc chúng ta phải cơ cấu lại và tăng năng lực nội tại. Đây là những yếu tố thúc đẩy cơ hội”.

        Theo TS. Vũ Hoàng Linh, giảng viên cao cấp ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội: Việt Nam hiện đang đứng trước một “cửa sổ cơ hội chiến lược” để gia nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bối cảnh địa - chính trị biến động, cùng với chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đang mở ra cơ hội chưa từng có cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Việc nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google, Samsung, HP đã và đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam là những ví dụ cho thấy điều đó. 

          “Mỹ đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với khoảng 12 tỷ USD. Việt Nam có thể phát triển các cơ hội tái cơ cấu sản xuất, nâng cao quy trình kiểm tra xuất xứ hàng hóa, cải thiện quy trình hải quan, cải thiện thâm hụt thương mại; thúc đẩy nhập khẩu có chọn lọc". TS. Vũ Hoàng Linh phân tích. "Đây cũng là cơ hội chúng ta có thể sớm yêu cầu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường”…

        Theo các đại biểu, mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức như chính sách thuế quan, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để duy trì đà phát triển và nâng tầm quan hệ song phương. Để đạt được mục tiêu "cân bằng bền vững", Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, và chủ động thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định để thu hút đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn lớn của Mỹ./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận