Nhiều tín hiệu khả quan cho tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm
VOV1 - Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Kết quả này sẽ là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm nay.

Tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra sáng 5/7, tại Hà Nội, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức, kinh tế-xã hội trong nước của 6 tháng đầu năm ghi nhận những kết quả tích cực khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, xác lập mức tăng trưởng cao nhất của nửa đầu năm trong suốt giai đoạn 15 năm, từ 2011 đến 2025. Kết quả tăng trưởng quý 2 cho thấy còn nhiều dư địa cho tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, góp phần quan trọng vào thành công chung của 6 tháng là sự tăng trưởng vượt bậc của quý 2. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 ước tính tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng kỷ lục 8,56% của quý 2/2022.  Nhìn sâu vào động lực tăng trưởng 6 tháng đầu năm, con số tăng trưởng 7,52% là mức cao nhất trong chuỗi dữ liệu 15 năm (2011-2025), vượt qua cả những năm tăng trưởng tốt trước đại dịch như năm 2018 (7,43%) và 2019 (7,12%).

Phân tích về đóng góp của các khu vực vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, có thể thấy sự tăng trưởng đồng đều và vững chắc. Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt với mức tăng 8,14%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng nhiều nhất với mức 8,33%. Khu vực nông-lâm nghiệp-thủy sản duy trì sự ổn định với mức tăng 3,84%, đóng góp 5,59% và là bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế.

Về sử dụng GDP, các yếu tố tổng cầu đều tăng trưởng mạnh mẽ. Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,20% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp hơn 40%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng hơn 14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng hơn 16%.

Lý giải cho sự tăng trưởng ấn tượng này, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê nhận định, yếu tố then chốt đến từ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong bối cảnh cả nước bắt đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, từ trung ương đến địa phương cần nỗ lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đề ra để đạt mục tiêu tăng trưởng cuối năm của từng địa phương mới sau sắp xếp:

 “Trao quyền cho mỗi tập thể, mỗi cá nhân ở các mức khác nhau được đóng góp tối đa năng lực, nguồn lực và huy động được nhiều nhất năng lực để thực thi nhiệm vụ. Chúng ta vướng nhất ở việc chưa thông suốt hoặc còn đi lòng vòng giữa các cấp các ngành. Bây giờ trao quyền để làm mạnh hơn, tốt hơn ở mỗi vị trí, chức năng của mình trong việc phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như là những đóng góp trong xử lý một công việc cụ thể cũng như xử lý việc chung”

 Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống tài khoản Quốc gia (Cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Kết quả này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, cho rằng, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công sẽ tạo dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như: Các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng.

 “Khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, mang vai trò chiến lược. Sự bùng nổ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh. Việc phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm 2025 sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội”.

Ngoài ra, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ 1/7/2025 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8% (trong đó Quý I tăng 7,05%, quý II tăng 7,96%, quý III tăng  8,33%, quý IV tăng 8,51%)./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận