Nhân kỷ niệm 25 năm vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam, Báo Tài chính – Đầu tư tổ chức toạ đàm: “Lực đẩy dòng vốn mới” tập trung vào giải mã lực đẩy thực sự của dòng vốn giai đoạn mới, các chính sách vĩ mô được thiết kế, điều chỉnh theo hướng tạo cơ hội thực sự cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia thị trường.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam đã xây dựng được thị trường chứng khoán với một hệ thống các thành viên thị trường có đầy đủ tiềm lực tài chính, năng lực chuyên môn. Từ vài mã cổ phiếu, đến nay đã có hàng trăm mã đang niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán. Về hệ thống nhà đầu tư, từ con số vài trăm ban đầu, đến nay đã tăng lên con số gần 10 triệu tài khoản nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Từ việc phải đi vận động doanh nghiệp cổ phần hoá và niêm yết, đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã có quy mô vốn hoá đạt 8,3 triệu tỷ đồng, đạt hơn 60%, thậm chí có lúc gần 75% quy mô GDP. Ông Nguyễn Đức Chi cho rằng, đây là quy mô đáng tự hào và giờ đây chúng ta tiếp tục bàn các giải pháp sắp tới để nâng mức vốn hoá này lên: "Muốn vậy chúng ta cần tìm nguồn hàng hoá đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường. Tức là hàng hoá phải có chất lượng, có vốn hoá lớn để thu hút nhà đầu tư lớn. Giải pháp nào để có hàng hoá như vậy. Có nên xem xét khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia? Cách nào để thu hút những tập đoàn lớn tham gia để xây dựng nguồn hàng hoá mới có chất lượng, để phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường".
Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần xây dựng được những nền tảng hạ tầng kỹ thuật tiên tiến cho thị trường. Gần đây nhất, đã đưa vào vận hành hệ thống KRX để giải quyết vấn đề quá tải của hệ thống cũ, đáp ứng các nhu cầu sắp tới của thị trường chứng khoán. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý thị trường ngày một nâng cao, các hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán đã được xây dựng và vận hành trơn tru. Đây chính là cơ sở quan trọng để thu hút thêm các doanh nghiệp niêm yết. Với mục tiêu niêm yết trên thị trường, ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Tài chính của Meey Group, nêu kế hoạch:"Chúng tôi xác đinh là công ty đại chúng. Do vậy, chúng tôi xác định tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực. Tích cực tiên phong tạo ra hệ sinh thái số BĐS tại Việt Nam để có thể thu hút được các định chế đầu tư hàng đầu tại Châu Á cũng là các cam kết đầu tư của các quỹ đầu tư tại Mỹ".
Thị trường chứng khoán đã dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, trở thành "hàn thử biểu" của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện năng lực của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Nhằm từng bước góp phần hiện thực mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước trong tương lai ở các mốc năm 2030 và năm 2045, thị trường chứng khoán phải phát triển vượt bậc, thu hút dòng vốn đầu tư trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển đất nước, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Muốn vậy, cần cải cách về cơ chế để thu hút dòng vốn ngoại.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) nêu giải pháp: "Các thành viên thị trường đang quyết tâm nâng hạng TTCK. Theo đánh giá của kỳ vọng nâng lên mức 2, thu hút được dòng vốn nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài. Để triển khai nâng hạng, cơ quan quản lý cũng như các thành viên chuẩn bị các công việc. Về pháp lý, tháo gỡ thông tư 68 cho phép NĐT nước ngoài bỏ ký quỹ trước khi đặt lệnh. Kiểm tra số dư khi đặt lệnh, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế cấp mã số giao dịch bằng trực tuyến và vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới KRX, ứng dụng nền tảng công nghệ mới trên thị trường".
Có thể nói, sau 25 năm phát triển, đã đến lúc cần hoạch định tầm nhìn phát triển thị trường lên một tầm cao mới để đáp ứng yêu cầu của rất nhiều nhà đầu tư, các tổ chức thị trường và của cơ quan quản lý với kỳ vọng phát triển thị trường chứng khoán trong bối cảnh mới, đặc biệt là việc nâng hạng thị trường. Trước hết, về khuôn khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, cần xác định cụ thể đâu là điểm nghẽn pháp lý.
Tiếp đó là cần cải thiện “chất lượng hàng hoá” trên thị trường, tìm cách để khuyến khích các tập đoàn nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam; Về cấu trúc thị trường, cần tìm cách để tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức song hành với việc chú trọng bồi dưỡng, đào tạo năng lực cho nhà đầu tư cá nhân; Vấn đề liên quan tới hạ tầng công nghệ, kỹ thuật của thị trường chứng khoán, vốn là yếu tố nền tảng cho sự vận hành an toàn và hiệu quả; Cuối cùng là cần xác định rõ kỳ vọng nâng hạng thị trường, trong đó không chỉ là câu chuyện nâng hạng thành công, mà còn là giữ được hạng và tiếp tục được nâng hạng cao hơn trong tương lai. Việc này đòi hỏi cam kết chính sách, hành động cụ thể và bền bỉ từ tất cả các chủ thể liên quan. Các thành viên thị trường và nhà đầu tư tin tưởng, nếu giải quyết được những vấn đề cốt yếu này thì sẽ giải quyết được yêu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ là cơ sở thực sự để tạo “lực đẩy cho dòng vốn mới” trên thị trường chứng khoán nước ta./.
PV Hà Nho
Bình luận