Kiểm toán Nhà nước quyết liệt nâng cao chất lượng kiểm toán, phát huy vai trò “gác cổng” ngân sách
VOV1 - Sáng 11/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị.

Theo Dự thảo Báo cáo đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025, trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đã hoàn thành toàn diện và chất lượng các nhiệm vụ công tác theo đúng kế hoạch với nhiều kết quả nổi bật.

Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sát tình hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thí điểm áp dụng AI và phân tích dữ liệu trong hoạt động kiểm toán. Kết quả ban đầu, AI đã chỉ ra các nội dung liên quan đến vượt tiêu chuẩn định mức; chỉ ra thời gian thực hiện không hợp lý với khối lượng thực hiện và một số lưu ý khác.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 43 dự thảo báo cáo kiểm toán, 16 báo cáo kiểm toán đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2025, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 8.344 tỷ đồng (tăng thu NSNN 2.410 tỷ đồng, giảm chi NSNN 5.934 tỷ đồng), kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 (cho niên độ ngân sách năm 2023), tính đến ngày 15/6/2024, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 3.533/31.538 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,2%. Ngoài ra, các công tác xây dựng văn bản pháp luật và văn bản quản lý; công tác hợp tác quốc tế; công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác công nghệ thông tin; nghiên cứu khoa học; báo chí tuyên truyền… cũng đã được triển khai hiệu quả, có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện hoạt động của Ngành trong 6 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế đã được chỉ ra nhằm hoàn thành thắng lợi, toàn diện Kế hoạch công tác năm 2025.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2025 theo kế hoạch đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2026-2028 và kế hoạch kiểm toán năm 2026, trong đó trọng tâm định hướng tổ chức hoạt động kiểm toán bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và việc thực thi các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua.

Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán theo quy định; cung cấp kịp thời các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong bối cảnh đặc biệt. Toàn Ngành đang tập trung triển khai kiểm toán đánh giá vấn đề lãng phí và Kiểm toán Nhà nước đã ban hành hướng dẫn riêng đối với nội dung kiểm toán này. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, cũng là thời điểm Kiểm toán Nhà nước lập kế hoạch kiểm toán năm 2026 để thực hiện kiểm toán niên độ ngân sách năm 2025, trong đó có việc đánh giá nửa cuối năm 2025 đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đây là vấn đề đặt ra cần được các đơn vị kiểm toán quan tâm, lưu ý trong xây dựng kế hoạch kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tổng hợp, thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với với ứng dụng công nghệ thống vào hoạt động công vụ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán...

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác kiểm toán, nhất là trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính; công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán; công tác ứng dụng công nghệ thông tin… Chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao những kết quả toàn diện của Ngành đã đạt được trong thời gian qua và ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.

Xác định bước vào 6 tháng cuối năm với bộn bề rất nhiều việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu toàn Ngành sắp xếp, xây dựng các kế hoạch mới để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 trong bối cảnh mới. Đồng thời, toàn Ngành cần khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030, đặc biệt là tập trung thể chế hóa 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Kiểm toán Nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng kiểm toán./.

Xem trên các nền tảng khác