Tại tọa đàm trực tuyến “Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, diễn ra ngày 25/3, các chuyên gia đã thảo luận những thách thức trong giải ngân, phân bổ vốn và định hướng giải pháp để đạt mục tiêu giảm nghèo trong năm 2025.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2021-2022, chỉ hơn 9.500 tỷ đồng được phân bổ cho chương trình, chiếm 12,7% tổng kinh phí. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 38,6%, trong đó vốn đầu tư đạt 43,2%, nhưng vốn sự nghiệp chỉ 29,9%. Ông Vũ Văn Tám - Trưởng phòng Đầu tư dự án 1 - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V, đồng thời là Trưởng đoàn kiểm toán Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2022 cho rằng, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, phần lớn đến tháng 7/2022 mới có hiệu lực, khiến địa phương lúng túng trong thực hiện. Ngoài ra, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án kéo dài do danh mục nhiều và thay đổi liên tục.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là thực trạng giảm nghèo chưa bền vững, tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, có 10/12 tỉnh được kiểm toán đạt mục tiêu giảm nghèo cao hơn mức chung của cả nước, nhưng hai tỉnh Khánh Hòa và Quảng Nam có kết quả thấp hơn. Theo ông Vũ Văn Tám, tình trạng tái nghèo xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, Kiểm toán nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực, đảm bảo các khoản đầu tư được triển khai đúng mục tiêu và mang lại hiệu quả thực chất.
“Với vai trò Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, giám sát mọi nguồn lực của Chương trình làm sao đi đúng hướng, đúng nội dung, mục tiêu của Chương trình đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi những cơ chế tài chính bất cập để cho các địa phương dễ thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số”
Với tổng kinh phí tối thiểu 75.000 tỷ đồng, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm về đích của Chương trình, trong khi tỷ lệ giải ngân còn khá thấp, một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn cao. Nguyên Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây), ông Phạm Hồng Đào kiến nghị, để triển khai hiệu quả Chương trình, cần rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, khi chúng ta thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các dự án đã phê duyệt, ưu tiên lựa chọn thực hiện các dự án mang tính khả thi. Các địa phương cũng cần tăng cường kết nối với các cơ quan Trung ương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
“Cơ chế phù hợp, chính sách tốt nhưng con người thực hiện chưa tốt thì rất khó bảo đảm mục tiêu đề ra, do đó cần tăng cường năng lực cán bộ cấp cơ sở và khắc phục được tình trạng sợ trách nhiệm. Song song Chương trình này, cần đẩy mạnh triển khai các chính sách giảm nghèo thường xuyên; đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của cả xã hội để cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh việc giám sát, đánh giá, trong đó có vai trò của kiểm toán, bảo đảm việc thực hiện đúng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực của Chương trình”
Tại tọa đàm “Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước", các đại biểu đều cho rằng Kiểm toán Nhà nước có thể giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực, phát hiện sai sót, đề xuất điều chỉnh kịp thời để bảo đảm chương trình đi đúng hướng, đạt mục tiêu và hiệu quả lâu dài./.
Bình luận