Kết nối doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ với các thị trường xuất khẩu
VOV1 - Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Cần Thơ có dấu hiệu phục hồi, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo nhận định của thành phố Cần Thơ, địa phương vẫn còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức về tăng trưởng kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm nay Cần Thơ đã cấp mới cho 2.153 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% về số lượng doanh nghiệp. Cùng với đó, các khu công nghiệp cũng đã cấp mới 4 dự án với tổng vốn đăng ký gần 700 triệu USD. Ngoài ra, thành phố có 14 dự án đầu tư được cấp mới (vốn trong nước, ngoài khu công nghiệp) với tổng vốn đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo UBND Cần Thơ, trong 6 tháng qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt 7,87%, cao hơn bình quân cả nước và đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL. Quy mô nền kinh tế của Cần Thơ ước đạt trên 143.980 tỷ đồng.

Mặc dù từ đầu năm đến nay hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Cần Thơ có dấu hiệu phục hồi, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng  so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo nhận định của thành phố Cần Thơ, địa phương vẫn còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức về tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do áp lực thị trường, lượng hàng tồn kho lớn, công suất khai thác và năng lực đầu tư mới, mở rộng còn hạn chế. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng tiếp tục đối mặt với một số yếu tố khách quan như thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, nhất là cát, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình trọng điểm và dự án hạ tầng sử dụng vốn ngoài ngân sách. Cùng với đó, hoạt động thu hút đầu tư ngoài ngân sách (bao gồm vốn trong nước và FDI) chưa đạt kỳ vọng.

Để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội năm nay, Phó Giám đốc Sở Tài chính Cần Thơ Vương Thành Nam cho biết, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, các ngành hàng chủ lực của thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực sản xuất. Cùng với đó, triển khai các kế hoạch kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa, kết nối doanh nghiệp của thành phố với các thị trường xuất khẩu.

"Tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, thu tiền sử dụng đất từ dự án. Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố"./.

 Phạm Hải/VOV ĐBSCL

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận