Trước những thông tin về diễn biến của cơn bão, từ chiều qua đến sáng nay, khi Hà Nội bắt đầu có mưa và gió mạnh, nhiều người dân vẫn “đội mưa” đi đến các siêu thị, chợ dân sinh để mua thực phẩm tích trữ trong vài ngày. Từ 7 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Thanh Xuân, Hà Nội đã ra chợ dân sinh gần nhà mua thực phẩm cho gia đình: “Nhiều người mua để dự trữ nên khi mình ra mua thì đã hết rồi. Nhiều người đặt sẵn từ trước. Mưa bão thì thịt cũng lên giá, rau lên giá, lên có khi 2-3 giá đấy. Ví dụ như mớ rau bình thường 6 nghìn/mớ thì hôm nay 8 nghìn/mớ. Trứng cũng lên giá mà không có mà mua.”

Tại các chợ truyền thống, chợ tạm, lượng rau khá dồi dào, phong phú, tuy nhiên, giá rau xanh đã tăng cao hơn ngày thường từ 10-15%. Không ít tiểu thương đã chủ động tăng giá và tăng gấp đôi lượng hàng nhập về từ tối hôm trước. Bên cạnh đó, thịt, trứng và các loại đồ khô như mì tôm, bánh đa cũng có sức mua tăng mạnh. Chị Nguyễn Thị Gái, bán rau ở chợ Nhân Chính, phường Thanh Xuân và chị Phạm Thị Hương, tiểu thương chợ Trung Kính, phường Yên Hòa chia sẻ: “Hôm qua tôi bán 15 nghìn/kg bí xanh, hôm nay đi lấy hàng đã 15 nghìn/kg thì tôi bán lên 20 nghìn/kg. Rau cải mơ hôm qua là 16 nghìn/kg thì hôm nay lên tận 25 nghìn/kg. Nói chung những loại lấy hàng ngày thì không nhiều, mướp hôm qua 13 nghìn/kg thì hôm nay lên 15 nghìn/kg, lên không đáng kể. Hôm qua và hôm nay người dân mua nhiều, mọi khi bán đến trưa mới hết nhưng sáng nay đã bán hết rồi, người ta ra mua ào ào một lát là vãn”
“Ai cũng sợ bão nên mỗi người mua một ít tích trữ. Bình thường có thể hôm nay không cần ăn đâu nhưng mà mưa bão thì người ta bảo thôi cứ mua để đấy. Ai cũng nháo nhào mua buổi sáng một lát. Tôi ra đây lúc 7 rưỡi thế mà người ta cứ ào ào một lúc là hết. Nếu chiều nay mà mưa to gió lớn thì nghỉ bán còn nếu cứ như sáng nay thì vẫn bán vì đưa nhà hàng không thể nghỉ được”

Mặc dù mưa bão song giá thịt, cá chỉ nhích nhẹ. Theo các tiểu thương, lượng khách tiêu thụ tăng gấp rưỡi ngày bình thường. Không chỉ các chợ dân sinh, các siêu cũng rơi vào tình trạng quá tải người đi mua thực phẩm trước bão. Đặc biệt, mặt hàng rau xanh ở một số điểm siêu thị như WinMart, Fivimart... được tiêu thụ rất nhanh. Các quầy rau xanh, thịt tươi, mì gói và đồ hộp là nơi tập trung đông người nhất. Hàng hóa liên tục được nhân viên bổ sung nhưng vơi đi nhanh chóng. Còn ở một số siêu thị lớn như Go Thăng Long, quầy thực phẩm vẫn đầy ắp, nhân viên liên tục thêm mới hàng hóa, không có cảnh chen lấn tích trữ thực phẩm như trận bão Yagi năm ngoái. Mặc dù không khí mua sắm sôi động hơn bình thường nhưng phần lớn người dân đều cho biết họ chỉ mua đủ dùng trong 2–3 ngày tới, tránh tình trạng tích trữ quá đà.
Nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất thường, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra, bình ổn thị trường lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố trong năm 2025. Các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu trong 7 ngày. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ khẩn cấp. Dự kiến, các loại hàng hóa được chuẩn bị bao gồm: lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác. Tổng khối lượng hàng hóa đủ phục vụ cho khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí tạm tính là 122,7 tỷ đồng.