Tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá từng nội dung trong 04 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, trong bối cảnh an ninh năng lượng toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, nguồn cung năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và yêu cầu cấp bách về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành xu thế tất yếu và là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; với các quan điểm trong Tờ trình của Chính phủ nhưng đề nghị bổ sung một số nội dung, cụ thể là: Bám sát Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đổi mới tư duy lập pháp là Luật cần quy định khung, phân cấp mạnh, giao Chính phủ chi tiết hóa, linh hoạt vận dụng thực tiễn; Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 12/11/2024 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trong đó quy định “tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp”.
Liên quan đến các nội dung này, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng, Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công (Bộ Công Thương) - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này, cho biết: "Luật sửa đổi thì cũng tập trung vào vấn đề phân quyền. Một số nội dung trong luật mới thì được phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống địa phương và các bộ, ngành. Vấn đề cải cách hành chính thì Luật mới đã giảm 50% các thủ tục hành chính so với luật cũ".
Là thành viên trong Ban soạn thảo, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) thông tin thêm: "Hiện nay vai trò của Ủy ban nhân dân được bổ sung một số các nội dung cụ thể hơn, và gắn với quản lý của địa phương. Ví dụ như việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thì UBND các cấp phải có trách nhiệm thiết lập danh sách, báo cáo, kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, hoạt động thanh kiểm tra toàn bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn, kể cả những việc như các hàng giả hàng lậu liên quan đến nhãn năng lượng thì cũng là trách nhiệm được giao cho Ủy ban nhân dân".

Trước một số ý kiến ĐBQH về quy định việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng chưa thực sự phổ biến, có thể khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu chưa thường xuyên thử nghiệm và dán nhãn vì chi phí thử nghiệm cao, chưa có yêu cầu bắt buộc trước đây… các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu, đánh giá, làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế trong thương mại. Chuyên gia Nguyễn Công Thịnh - thành viên Ban soạn thảo dự thảo Luật (sửa đổi), thông tin: "Đối với lĩnh vực cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thì trong Luật cũng bổ sung quy định là yêu cầu xây dựng định mức tiêu hao năng lượng đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, như xi măng, kính, gạch… và cái này chúng tôi cũng đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng văn bản hướng dẫn dưới Luật sau khi Luật được Quốc hội thông qua và sẽ có sự chuẩn bị cả về mặt tiêu chuẩn cũng như các phòng thử nghiệm để có thể triển khai ngay áp dụng khi Luật có hiệu lực".

Qua những ý kiến đóng góp tại phiên thẩm tra cho thấy, các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật cũng như chất lượng, tính kịp thời của dự thảo Báo cáo thẩm tra chính thức của cơ quan chủ trì. Ghi nhận và giải trình những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại phiên thẩm tra dự thảo luật ngày 29/4/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định, những ý kiến đều rất xác đáng, thuyết phục để cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNLTK&HQ tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong quá trình hoàn thiện dự án Luật trước khi gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XV./.
Bình luận