Nhiều năm là lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Mai cho biết, sự chồng chéo trong quy trình hành chính giữa nhiều cấp chính quyền suốt thời gian qua đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp được triển khai, cấp xã, phường sẽ trực tiếp giải quyết rất nhiều thủ tục cho doanh nghiệp. Những thủ tục còn lại, doanh nghiệp sẽ chỉ phải nộp trực tiếp lên bộ phận cấp tỉnh, tức là các sở, ngành để hoàn thiện hồ sơ, khắc phục được tình trạng hồ sơ phải đi lòng vòng, mất nhiều thời gian. Ông Bùi Khắc Sơn nêu thực tế: "Việc thẩm định, cấp phép vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến chi phí, như chi phí quản lý, chi phí tài chính, chi phí triển khai và chi phí cơ hội, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng có nhiều đơn vị quyết tâm và xem việc sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy là cơ hội, nhưng để tiếp cận được thì chúng ta cần nhìn nhận".
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chỉ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phương Đông thì cho rằng, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một cuộc cách mạng, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Theo tính toán của ông Tuấn, nếu việc phân cấp, phân quyền được thực hiện tốt, có thể giảm khoảng 30-40% thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý công việc. Vấn đề doanh nghiệp mong muốn là hệ thống chính quyền địa phương hai cấp cần nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, tránh để doanh nghiệp phải chờ đợi khi thực hiện các thủ tục đầu tư, từ khâu tiếp nhận đến xử lý và bổ sung hồ sơ. "Tôi nghĩ rằng bộ máy mới sẽ đi vào ổn định rất nhanh. Đối với những dự án chuyển tiếp, về mặt thủ tục thì vẫn phải điều chỉnh một số văn bản để đảm bảo sự đồng bộ khi chúng ta điều chỉnh tên vùng, miền và cơ quan chuyên môn trực tiếp phụ trách và cơ quan phê duyệt. Tôi mong rằng những dự án đó sẽ nhanh chóng tiếp tục được triển khai, hạn chế rà soát lại, mất thời gian và ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp" - ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, cuộc cách mạng về “sắp xếp lại giang sơn” sẽ mang lại làn gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Việc giảm đơn vị trung gian cũng sẽ tăng tính minh bạch, nâng cao mức độ tin cậy của doanh nghiệp với cơ quan công quyền. Với những thông điệp mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp có thêm động lực để hướng đến những mục tiêu mới, cao hơn. Doanh nhân trẻ Bùi Tiến Dũng, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp, Công ty cổ phần công nghệ công nghiệp Vconnex cho biết: "Thứ nhất là sẽ rút ngắn được khoảng cách từ chính quyền tới doanh nghiệp của chúng tôi. Chính phủ đang hành động rất nhanh, nên chúng tôi và các doanh nghiệp về công nghệ nói riêng, những doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung cũng phải thay đổi để theo kịp xu thế của thời cuộc. Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp, bởi chúng tôi xác định mỗi doanh nghiệp là một hạt nhân của nền kinh tế đất nước"./..
Bình luận