Dự thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 -2035, tầm nhìn đến năm 2045” đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 12-15% GDP, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15-20% mỗi năm. Đồng thời, logistics sẽ được tích hợp trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, với 30% phương tiện chuyển sang năng lượng sạch và 80% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (24/4/2025) tại Hà Nội.
Được đánh giá là một trong những ngành tăng trưởng cao nhất của Việt Nam trong 10-15 năm tới nhờ tăng trưởng kinh tế gắn với tốc độ phát triển của ngành logistics những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Hiện có khoảng trên dưới 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, trong đó có hàng chục tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam hiện trung bình ở mức 16-17% GDP, nhiều năm trước đây còn là 18-19%. Đây là mức chi phí logistics tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới (đơn cử như: Nhật Bản chi phí logistics chỉ chiếm 11%/GDP, Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%)…
Hiện nay, ở một số ngành, một số lĩnh vực, hoạt động chuyển đổi số đã có bước tiên phong. Ví dụ nhiều cảng đã áp dụng các công nghệ tự động để nâng cao công suất bốc xếp, giảm bớt quy trình thừa, giảm bớt sự tác động của con người vào quy trình, góp phần xanh hóa logistics tại cảng. Mặt khác, các trung tâm logistics là nơi lưu giữ và xử lý rất nhiều loại hàng hoá khác nhau. Việc áp dụng chuyển đổi số vào giúp hoạt động quản lý hàng hóa tại trung tâm logistics sẽ nhanh hơn, chính xác hơn, thuận tiện hơn và tốn ít nhân lực hơn.

Ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Macstar chia sẻ, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng sao sức cạnh tranh, tạo được uy tín và có thêm nhiều khách hàng hơn: "Số hóa các quy trình chúng tôi cũng triển khai trong vòng 2 năm và đã mang lại hiệu quả rất cao. Đầu tiên là việc tối ưu hóa được vận chuyển của các chuyến xe vận tải, thì cái này nó cũng giúp giảm phát thải. Thứ hai là số hóa trong các quy trình quản lý thì nó sẽ giúp cho việc vận hành các kho, bãi rút ngắn thời gian đợi chờ của người gửi hàng và nhận hàng, và thông qua đó thời gian vận hành của xe nhận hàng/gửi hàng của người nhận hàng/gửi hàng cũng được rút ngắn, qua đó cũng giảm phát thải. Thứ ba là số hóa thì cũng giúp cho chúng tôi tối ưu hóa được năng lực của mình, tức là tận dụng được hết nguồn lực của đơn vị cũng như tiết kiệm được thời gian, công sức cho khách hàng".

Theo bà Trương Thị Mùi - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang, vùng trung du miền Bắc có lợi thế kết nối đường bộ, đường thủy và đường sắt, nhưng hiện tại các phương thức này vẫn phát triển rời rạc. Việc đồng bộ hóa, xây dựng chuỗi cung ứng đa tầng sẽ giúp giảm 10-15% chi phí logistics cho các ngành hàng chủ lực như thương mại điện tử, điện tử, dệt may. Do đó, rất cần việc tích hợp vận tải đa phương thức với hệ thống kho thông minh Muốn vậy, cần thúc đẩy chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hệ thống WMS, IoT, AI trong quản lý kho bãi, đồng thời tạo điều kiện cho các kho thông minh phát triển theo chuẩn quốc tế. Bà Trương Thị Mùi - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang nêu dẫn chứng cụ thể, và cho rằng: "Ví dụ như với vận tải đường sắt thì chúng tôi nhìn thấy rất rõ là Nhà nước rất chú trọng đến hình thức vận tải này và có đẩy mạnh. Tuy nhiên, với hạ tầng ở các nhà ga thì hiện nay đang còn yếu kém. Năng lực xếp dỡ nếu chúng ta chạy tuyến trục tốt nhưng mà ở tất cả điểm nghẽn lại nằm ở các nhà ga; năng lực vận tải xếp dỡ ở đó kém thì cũng sẽ không thu hút được nhu cầu về sử dụng các loại dịch vụ đó. Vì vậy, với việc ra đời của Trung tâm Logistic Bắc Giang thì chúng tôi hướng đến việc giải quyết tất cả các điểm nghẽn của ngành. Với việc hạ tầng của nhà ga kém phát triển thì chúng tôi đưa giải pháp để bù đắp vào đó và phối hợp với các đơn vị vận tải đường trục để giải quyết được bài toán chung, và thông qua cách như vậy thì chúng tôi hướng đến việc cung cấp một giải pháp toàn trình cho đường sắt để tăng nhu cầu lên, qua đó cũng giảm áp lực cho các phương thức vận tải khác".

Từ những thay đổi rất đáng ghi nhận nhờ ứng dụng công nghệvà chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, đây là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam và cần phải thực hiện việc này càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt. Bởi, đây là xu hướng chung của thời đại, nếu chúng ta không làm, trong khi các doanh nghiệp của các nước khác đã thực hiện, chúng ta sẽ mất đi lợi thế ngay trên sân nhà: "Đối với doanh nghiệp logistics, chúng ta thấy rằng, đây là lĩnh vực ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Khi lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu ngày càng tăng thêm thì vai trò của logistics ngày càng khẳng định rõ. Mặt khác, đây cũng là ngành có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Việc mở cửa thị trường đang khá cởi mở và sự cạnh tranh trên thị trường là khá bình đẳng. Do vậy, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Với quy mô chưa lớn và nhân lực chưa nhiều, thì khi áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất, nâng cao tốc độ xử lý công việc".
Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, "để phát triển bền vững, cần đồng bộ hóa chiến lược - từ đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực đến ứng dụng công nghệ mới và hoàn thiện hành lang pháp lý" - Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo trình Chính phủ về Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu Phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị logistics toàn cầu. Để phát triển logistics bền vững trong kỷ nguyên 4.0, cần có sự đồng hành của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ và tạo điều kiện để các sáng kiến, mô hình tiên tiến được nhân rộng../.
PV Nguyên Long