Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, gọi tắt là IFRS, là một thông lệ tốt đã được áp dụng tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chuẩn mực này giúp nâng cao tính minh bạch và chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính, nền tảng để gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán thuộc Bộ Tài chính nhấn mạnh:
"Kế toán hiện đại không chỉ là công cụ quản trị nội bộ mà còn là “ngôn ngữ kinh doanh” toàn cầu. IFRS chính là ngôn ngữ chung mà các nhà đầu tư quốc tế sử dụng để đánh giá doanh nghiệp một cách nhất quán, không phân biệt lãnh thổ hay quốc tịch. Do đó, áp dụng IFRS sẽ tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, góp phần hình thành làn sóng FDI mới".
Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm cách huy động vốn qua các kênh quốc tế, như niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài hoặc vay vốn từ các tổ chức tài chính toàn cầu, thì báo cáo tài chính theo chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - IFRS là yêu cầu bắt buộc. Việc triển khai IFRS sẽ mở ra cánh cửa để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế, giảm chi phí huy động và nâng cao khả năng tiếp cận dòng vốn. Ông Trần Hồng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán Price-waterhouse-Cooper Vietnam lưu ý:
"Tư duy lãnh đạo, chi phí và lợi ích. Chi phí có thể rất lớn, nhưng lợi ích mang lại là gì? IFRS không dành cho tất cả doanh nghiệp, chỉ dành cho doanh nghiệp thực sự cần, là những doanh nghiệp niêm yết, đại chúng… Trao đổi với khách hàng muốn áp dụng IFRS chuyển đổi, tôi tư vấn từ vấn đề nhận thức lãnh đạo đến quy trình và cơ chế áp dụng…".
Hiện nay, lệ phí thi chứng chỉ IFRS đã được hỗ trợ mạnh mẽ (chỉ khoảng 10 triệu đồng) và tại nhiều trung tâm, lệ phí này được tích hợp trong học phí, gần như bằng không. Do đó, chuyên gia đánh giá, khó khăn lớn nhất không nằm ở vấn đề chi phí, mà cốt lõi nằm ở tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng áp dụng IFRS do lo ngại việc minh bạch hóa báo cáo tài chính sẽ làm lộ diện những điểm yếu nội tại hoặc ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường. Đây là rào cản mang tính tư tưởng và rất cần được tháo gỡ thông qua truyền thông mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính và các hiệp hội nghề nghiệp./.
Ngay từ năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/2020/QĐ-BTC phê duyệt phương án lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Đến năm 2024, tại Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024, sửa đổi, bổ sung 9 luật trong đó có Luật Kế toán, đã quy định Bộ Tài chính hướng dẫn chuẩn mực kế toán của Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; hướng dẫn phạm vi, lộ trình và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán.
Như vậy, lộ trình từng bước áp dụng IFRS được đặt ra nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chủ động chuẩn bị thực hiện, phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Đồng thời đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý tài chính, góp phần để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập.
Trung Hiếu - VOV1
Bình luận