Gần 58 nghìn tỷ đồng từ gia hạn thời gian nộp thuế, phí và tiền thuê đất phát huy tác dụng như một dạng “khoản vay không lãi suất” hỗ trợ doanh nghiệp

Thực tế chứng minh chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, được Quốc hội thông qua và Chính phủ thực thi hiệu quả, đã phát huy tác dụng bệ đỡ quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách miễn giảm và gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, như: giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước… Đặc biệt, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng – VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quyết nghị tiếp tục được kéo dài đến hết năm 2026. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh:
"Trước đây chính sách ta áp dụng cho 6 tháng đầu năm 2025. Vừa qua Chính phủ đã cân nhắc và thấy cần phải kéo dài đến hết 2026 vì lý do nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Miễn giảm thuế giá trị gia tăng thì vừa tác động ngay đến người tiêu dùng và tác động đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy Chính phủ thấy rằng trước mắt chúng ta sẽ áp dụng chính sách này cho đến hết năm 2026."
Theo ước tính, tổng số tiền hỗ trợ tài khóa trong 6 tháng đầu năm đạt gần 107 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng gần 49 nghìn tỷ đồng từ miễn giảm thuế phí đã giúp tăng thu nhờ hiệu ứng mở rộng sản xuất, tăng tiêu dùng và tạo thêm việc làm. Còn khoảng gần 58 nghìn tỷ đồng từ gia hạn thời gian nộp thuế, phí và tiền thuê đất cũng phát huy tác dụng như một dạng “khoản vay không lãi suất”.
Khoản vay này đóng vai trò như một “nguồn tín dụng ổn định” từ ngân sách Nhà nước, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để đầu tư vào tăng năng suất và giảm chi phí trong bối cảnh lãi suất thương mại còn ở mức cao. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia phân tích:
"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chính sách tài khóa năm nay tiếp tục mở rộng có trọng tâm trọng điểm… phối hợp tốt với chính sách tiền tệ, đảm bảo mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Thúc đẩy kinh tế cao nhưng vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô và theo đó mong muốn kiểm soát lạm phát dưới 5% và vai trò chính sách tài khóa, Bộ Tài chính trong việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt giá cả, nhất là giá nhiều mặt hàng là quan trọng vì chúng ta lạm phát do giá cả là cấu phần rất quan trọng ngoài lạm phát do yếu tố tiền tệ."
Đánh giá về triển khai chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt thời gian qua, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận:
"Thời điểm hiện nay chúng ta có vị thế ngân sách tương đối tốt. 1 là Mức thâm hụt hàng năm ngưỡng kiểm soát tốt, 2 là nợ công thấp so với trần Quốc hội và so với năng lực trả nợ tốt, nên hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu. Nhiều chuyên gia đề nghị 2 chính sách hỗ trợ nhau nhưng quyết liệt mạnh mẽ nặng gánh hơn cho tài khóa vì thời điểm này chính sách tiền tệ dư địa không quá rộng rãi, do cái bất định và áp lực từ lạm phát, lãi suất tỷ giá còn, còn do yếu tố bên ngoài như chính sách chính quyền Mỹ hoặc từ bên trong."
Mặc dù chính sách tài khóa được đánh giá là “nặng gánh” hơn trong vai trò trụ cột, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, nhưng vai trò của chính sách tiền tệ cũng không kém phần quan trọng. Từ đầu năm đến 26/6 vừa qua, dư nợ toàn hệ thống đạt gần 17 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024, tín dụng tăng gần 19%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây. Trong khi Bộ Tài chính bố trí đủ 3% ngân sách cho khoa học, công nghệ nhằm thực hiện chính sách đột phá phát triển, thì ngành ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ tín dụng trong lĩnh vực này. Ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank cho biết:
"Riêng quý I/2025, Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỷ đồng"
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực xây dựng gói tín dụng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng giá trị lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 20 tỷ đô la Mỹ, để cho vay thúc đẩy phát triển hạ tầng và công nghệ số. Ngay trong tháng 4, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn, đã đăng ký tham gia với mức 60 nghìn tỷ đồng mỗi ngân hàng. 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mức 20 nghìn tỷ đồng một ngân hàng và 5 Ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn đăng ký khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng. Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - MB nhìn nhận:
"Các ngân hàng vừa qua đã tham gia cho vay hạ tầng. Ngân hàng Nhà nước đề nghị tham gia gói 500 nghìn tỷ thì MB đã đăng ký với ngân hàng Nhà nước tham gia 20 nghìn tỷ với chính sách chung là giảm 1% lãi suất. 500 nghìn tỷ với một ngân hàng là lớn, cả hệ thống không lớn thay đổi ngắn hạn trung hạn, đảm bảo các chỉ số ngân hàng."
Như vậy, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều có sự linh hoạt và chủ động trong việc xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 chính sách này đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng tốt cho phát triển kinh tế. Kết quả đã phản ánh vào thực tế khi tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 1.302 nghìn tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024. Theo đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã phát huy vai trò trụ cột tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, chủ động trong việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, góp phần tích cực trong việc dẫn dắt tăng trưởng cao và bền vững hơn của nền kinh tế./.
Trung Hiếu VOV1
Bình luận