Cần lộ trình tăng thuế TTĐB hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, kinh tế đạt tăng trưởng cao
VOV1 - Cần lộ trình tăng thuế TTĐB hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền, đây là khuyến nghị được chuyên gia nêu lên tại hội thảo: “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, do Báo Nhân Dân tổ chức chiều 22/4 tại Hà Nội:

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhận định, bước sang quý II năm 2025, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động đan xen trước những biến động về kinh tế, chính trị thế giới. Trong bối cảnh này, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP của nước ta năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, càng trở thành thách thức lớn, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh:

“Nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách. Đây cũng là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”.

Cùng chung nhận định này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dẫn chứng số liệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang đứng trước thách thức mới. Cụ thể, sau khi cập nhật tác động của chính sách thuế quan mới của Chính phủ Hoa Kỳ gần đây, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2% trong năm 2025 và 1,8% trong năm 2026, giảm 1% so với mức tăng trưởng 2,8% của năm 2024. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng được tổ chức quốc tế dự báo đạt 7% trong năm 2025 và 8% trong năm 2026. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên ngay trong năm 2025, cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trong đó cần chú ý ổn định và hỗ trợ ngành đồ uống vượt qua khó khăn:

"Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, ngành này còn chịu khó khăn đặc thù. Một là không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế VAT. Hai là thời Covid ảnh hưởng nặng nhất là ngành du lịch trong đó có đồ uống. Ba là nghị định 100 và gần đây một số quy định chặt chẽ liên quan đến nồng độ cồn cho thấy thách thức khó khăn. Ngành này cũng có tình trạng buôn lậu hàng giả phức tạp, thống kê gần đây cho thấy rượu lậu tự nấy chiếm 63% lượng rượu tiêu thụ, tức là chỉ có 37% chính thống thì việc tăng thuế có điều tiết được hay không cũng cần tính toán thêm".

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt tới đây, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi, tránh hiện tượng “khó chồng khó” cho doanh nghiệp. Thậm chí, việc tăng thuế nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, có thể dẫn đến việc gia tăng sử dụng hàng giả, hàng lậu…

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV (diễn ra vào tháng 5/2025), với mục tiêu định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ và môi trường. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đề nghị điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng: lùi hiệu lực tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia, rượu tới năm 2028 (thay vì áp dụng ngay từ năm 2026), và chỉ tăng thuế 5%/năm trong 5 năm. Với ngành nước giải khát, chưa nên bổ sung mặt hàng giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt:

“Trong bối cảnh tình hình khó khăn nói chung của đất nước chứ không riêng ngành này, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét cân nhắc điều kiện hiện nay. Chúng tôi mong muốn giãn mức tăng thuế và thời điểm tăng thuế để bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và người dân. Chúng tôi mong muốn được đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt theo kịch bản hiện nay là tăng trưởng 8% và hai con số trong những năm tiếp theo”.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận