Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tính đến 18h ngày 23/7/2025, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã khiến 3 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương; 720 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái; hơn 5.400 ha lúa, hoa màu, bị gãy đổ, thiệt hại; hơn 26.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Thực trạng này đòi hỏi có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để bảo vệ tốt hơn cho nông dân trước thiên tai.

Khi bão về: Ai chia sẻ tổn thất cùng người dân?
Mỗi năm, Việt Nam phải gánh chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, đi kèm với mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất… gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi. Mặc dù Nhà nước và các cấp chính quyền luôn có những phương án ứng phó, cứu trợ kịp thời, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn luôn là con số lớn. Trung bình mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại từ 15.000 đến 30.000 tỷ đồng, buộc Nhà nước phải chi ngân sách bổ sung cho công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân và phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, còn có những tổn thất vô hình như mất mùa kéo dài, gián đoạn chuỗi cung ứng, mất an ninh lương thực cục bộ và ảnh hưởng tới tâm lý người dân.
Trong khi ngân sách là nguồn lực hữu hạn và không phải lúc nào cũng có thể hỗ trợ kịp thời, thì ngành bảo hiểm – đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ – lại là một công cụ có khả năng san sẻ rủi ro rất hiệu quả, giúp giảm gánh nặng tài chính cho cả người dân và ngân sách quốc gia. Vai trò của bảo hiểm trong việc bù đắp thiệt hại và hỗ trợ phục hồi sau thiên tai cần được nhận thức đúng và đầy đủ hơn trong chiến lược phòng chống thiên tai quốc gia.
Gần đây nhất, bão Yagi đã gây ảnh hưởng nặng nề tại nhiều địa phương với tổng thiệt hại lên tới hơn 83.000 tỷ đồng. Riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thiệt hại do bão Yagi gây ra đã ảnh hưởng đến 28.200 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng ước tính 40.000 tỷ đồng và dư nợ bị thiệt hại trực tiếp gần 17.000 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp và nông dân bị đình trệ, nhiều gia đình trở nên trắng tay vì mất vốn sản xuất lâm vào nợ xấu. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm trở thành một công cụ tài chính hữu hiệu, giúp người dân và doanh nghiệp có điểm tựa để phục hồi sau thiên tai. Bảo hiểm không chỉ giúp bù đắp tổn thất tài chính mà còn đóng vai trò như một lớp phòng vệ kinh tế, một “tấm lá chắn” thiết yếu trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng tăng cao, vai trò của bảo hiểm càng trở nên cấp thiết.

Bảo hiểm lá chắn cho khu vực tam nông và người yếu thế
Tại khu vực tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), người dân vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Họ thiếu vốn, thiếu hiểu biết tài chính, dễ bị tác động bởi rủi ro thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường... Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp luôn là lĩnh vực chứa đựng nhiều bất trắc, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Nghị quyết 19 của Đảng đã xác định rõ định hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong định hướng đó, vai trò của bảo hiểm cần được đặt ngang hàng với các yếu tố đầu tư cơ sở hạ tầng, giống cây trồng vật nuôi, tín dụng ưu đãi... Bảo hiểm không chỉ là một lựa chọn, mà là một công cụ không thể thiếu giúp nông dân yên tâm sản xuất và phòng ngừa rủi ro.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tại không ít nơi – đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa – người dân vẫn chưa tiếp cận được với bảo hiểm, hoặc tiếp cận một cách rất hạn chế. Khi rủi ro xảy đến, người yếu thế không có bất kỳ lớp phòng vệ nào về tài chính, trong khi khả năng cứu trợ từ Nhà nước không phải lúc nào cũng kịp thời và đầy đủ. Họ thường chỉ biết đến bảo hiểm sau khi thiên tai xảy ra, khi hậu quả đã quá nặng nề. Lý do là bởi việc tiếp cận bảo hiểm tại các vùng nông thôn hiện nay còn gặp nhiều rào cản như thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế, thiếu sản phẩm phù hợp, và đặc biệt là thiếu kênh phân phối hiệu quả. Theo ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank, vấn đề không nằm ở chỗ bảo hiểm có tồn tại hay không, mà là “bảo hiểm có thực sự đến được với người cần nó nhất hay chưa”. Ông Hoàng chia sẻ: “Tại các vùng nông nghiệp, người dân thường có thu nhập thấp, ít hiểu biết về bảo hiểm, trong khi rủi ro thì luôn cận kề. Nếu không có sự hỗ trợ về chính sách và truyền thông, thì bảo hiểm – dù có thiết kế tốt đến mấy – cũng khó lòng phát huy tác dụng. Nhà nước cần xác định rõ: bảo hiểm không chỉ là hàng hóa thị trường, mà là một thiết chế an sinh, giúp giảm gánh nặng ngân sách khi thiên tai xảy đến.”
Trên thực tế, những minh chứng từ các vụ việc gần đây đã cho thấy vai trò rõ ràng và tích cực của bảo hiểm. Trong đợt bão Yagi vừa qua, nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm Agribank đã được chi trả quyền lợi kịp thời. Điển hình là Công ty Việt Trường tại Hải Phòng đã được chi trả trên 22 tỷ đồng, nhờ đó có nguồn tài chính ổn định để tái sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tại Công ty thiết bị điện Presenza, Bảo hiểm Agribank đã tạm ứng ngay 1 tỷ đồng cho khách hàng khi bão vừa tan để giúp công ty khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Những phản ứng nhanh nhạy, hỗ trợ thực chất như vậy không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động mà còn tạo dựng niềm tin vào bảo hiểm trong cộng đồng. Thống kê từ Bảo hiểm Agribank cho thấy, riêng trong cơn bão Yagi năm 2024 đã có 536 hồ sơ yêu cầu bồi thường với số tiền lên tới 177 tỷ đồng. Những con số này không chỉ phản ánh mức độ thiệt hại, mà còn là minh chứng cho sự đồng hành trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Từ một “chiếc phao tài chính” mang tính cứu trợ, bảo hiểm đang dần trở thành một trụ cột trong hệ thống ứng phó rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Cần đưa bảo hiểm vào thực tiễn cuộc sống
Dù vậy, việc phát triển thị trường bảo hiểm – đặc biệt là bảo hiểm nông nghiệp – đang gặp không ít rào cản. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã cấm việc bán kèm bảo hiểm với sản phẩm tín dụng, ảnh hưởng lớn đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng – vốn là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng ở khu vực nông thôn. Khi ngân hàng bị hạn chế tư vấn bảo hiểm, người dân lại càng khó tiếp cận hơn, nhất là với các sản phẩm thiết kế riêng cho người vay vốn nông nghiệp như Bảo an tín dụng, bảo hiểm mùa vụ, bảo hiểm vật nuôi. Hệ quả là thị trường bảo hiểm nông nghiệp, vốn đã khó phát triển do rủi ro cao và tỷ lệ tham gia thấp, nay lại càng gặp thêm thách thức. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế linh hoạt hơn từ phía Nhà nước để không chỉ bảo vệ người dân mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, cần xem xét điều chỉnh hoặc ban hành các hướng dẫn pháp lý rõ ràng nhằm đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa ngân hàng và bảo hiểm trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, đồng thời không làm giảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm của người dân nông thôn.
Chúng ta cần nhìn nhận rõ, bảo hiểm không thể thay thế thiên nhiên, nhưng có thể làm giảm bớt hậu quả mà thiên nhiên để lại. Việc tham gia bảo hiểm là cách phòng ngừa chủ động, giảm thiểu rủi ro tài chính, bảo vệ thành quả lao động. Đó cũng là một hình thức chia sẻ trách nhiệm giữa cá nhân, cộng đồng và Nhà nước trong quản lý thiên tai. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân yếu thế, hoàn thiện hành lang pháp lý minh bạch, nhất quán để các tổ chức tài chính và bảo hiểm có thể phối hợp triển khai sản phẩm phù hợp thực tế. Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để người dân hiểu và chủ động tham gia, thay vì chỉ trông chờ vào cứu trợ sau thiên tai. Việc đưa giáo dục bảo hiểm vào chương trình học phổ thông, tổ chức các chiến dịch truyền thông cộng đồng, huy động các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí cùng vào cuộc có thể tạo ra chuyển biến về nhận thức. Nếu coi bảo hiểm là công cụ bắt buộc trong một số lĩnh vực sản xuất – giống như cách các quốc gia khác đang làm – thì cần có lộ trình, khung pháp lý và chính sách hỗ trợ đi kèm, đặc biệt cho nông dân và người nghèo.
Kiến nghị và đề xuất chính sách
Dù thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do tính rủi ro cao, tỷ lệ tham gia còn hạn chế và mức độ hiểu biết chưa đồng đều giữa các vùng, nhưng những thành công bước đầu đã cho thấy đây là hướng đi đúng. Từ những người nông dân vùng rốn lũ miền Trung, các trang trại nuôi tôm ở Nam Bộ, tới những doanh nghiệp chế biến nông sản ở miền Bắc – họ đã và đang cảm nhận rõ nét giá trị của bảo hiểm nông nghiệp không chỉ là tài chính, mà còn là niềm tin và sự bảo vệ. Câu chuyện bảo hiểm không còn là của riêng doanh nghiệp, mà là câu chuyện an sinh quốc gia, là biểu hiện của trách nhiệm xã hội, là tấm khiên cho những người yếu thế trước thiên tai.
Để bảo hiểm trở thành một thiết chế phổ biến và tất yếu trong đời sống xã hội, cần một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, ổn định và có tính thúc đẩy. Trước hết, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, cần cho phép kênh banca được vận hành trong giới hạn bảo vệ khách hàng, minh bạch thông tin và không bị hiểu nhầm là “bán kèm”.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên ban hành Nghị định riêng về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia, các mô hình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm.
Song song, cần triển khai các chương trình đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bảo hiểm. Các địa phương nên có cơ chế phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục, rút ngắn thời gian bồi thường khi rủi ro xảy ra. Tăng cường ứng dụng công nghệ để theo dõi mùa vụ, cảnh báo sớm thiên tai, làm căn cứ đánh giá thiệt hại khách quan.
Cuối cùng, cần khuyến khích các mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp), trong đó bảo hiểm đóng vai trò là lớp áo giáp tài chính bền vững. Thí điểm các mô hình bảo hiểm chỉ số, bảo hiểm rủi ro thời tiết, bảo hiểm nông nghiệp công nghệ cao… cũng là hướng đi cần được hỗ trợ và nhân rộng.
Khi người dân được tiếp cận bảo hiểm thuận lợi, họ có thể yên tâm sản xuất, giảm thiểu gánh nặng tài chính khi có rủi ro, tăng khả năng phục hồi sau thiên tai. Với Nhà nước, đó là sự giảm tải ngân sách hỗ trợ, tăng tính chủ động trong điều hành và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Bảo hiểm, vì thế, không chỉ là công cụ tài chính. Đó là thiết chế an sinh, là thành phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển quốc gia. Đã đến lúc chúng ta cần hành động quyết liệt hơn, tháo gỡ rào cản, mở rộng chính sách, để bảo hiểm thực sự trở thành chiếc phao cứu sinh cho người dân trước thiên tai.
Thiên tai không đợi ai. Một mùa mưa bão nữa đang đến gần. Nếu không chuẩn bị trước, người dân yếu thế sẽ tiếp tục là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đã đến lúc bảo hiểm không còn là lựa chọn xa xỉ, mà phải trở thành một phần trong văn hóa sống chung với rủi ro của mỗi người dân Việt Nam. Và để làm được điều đó, cần sự chung tay từ Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm toàn diện, bền vững, nhân văn.
Bình luận