Cải cách thể chế - dọn đường cho tăng trưởng dài hạn
VOV1 - Nửa đầu năm 2025, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 7,52%, sản xuất công nghiệp khởi sắc, tiêu dùng nội địa cải thiện, thu hút FDI tiếp tục tích cực. Phía sau những con số ấn tượng đó là một loạt nỗ lực cải cách thể chế tạo nền móng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

80,8% doanh nghiệp nhận định quý III/2025, xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên hoặc ổn định. Con số theo khảo sát của Cục Thống kê vừa công bố cho thấy niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục tăng so với khảo sát quý trước.

"Các doanh nghiệp đang kỳ vọng và tin tưởng thủ tục pháp lý đầu tư sẽ được rút gọn, nhanh chóng. Từ đó tạo điều kiện thủ tục đầu tư các dự án một cách nhanh gọn hơn, từ đó giúp chúng tôi tiếp cận và hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận tiện hơn" (Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Property).

"Thứ nhất là sẽ rút ngắn được khoảng cách từ chính quyền tới doanh nghiệp của chúng tôi. Chính phủ đang hành động rất nhanh, nên chúng tôi và các doanh nghiệp về công nghệ nói riêng, những doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung cũng phải thay đổi để theo kịp xu thế của thời cuộc. Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp, bởi chúng tôi xác định mỗi doanh nghiệp là một hạt nhân của nền kinh tế đất nước" (Ông Bùi Tiến Dũng, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp, Công ty cổ phần công nghệ công nghiệp Vconnex).

Nhìn lại 6 tháng qua, điểm sáng rõ ràng nhất là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, tín dụng. Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất công nghiệp – hai lĩnh vực từng bị đánh giá là “nhiều tầng nấc, ít minh bạch” – hàng loạt quy định đã được bãi bỏ hoặc sửa đổi. Thủ tục cấp phép xây dựng và giao đất, cho thuê đất được rút ngắn thời gian tới 30%. Trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ ách tắc dòng vốn tín dụng sản xuất – kinh doanh. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công, Trường ĐH Kinh tế, ĐH quốc gia Hà Nội, những cải cách này không chỉ giúp tiết giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là khơi dậy lòng tin. Niềm tin đó đã chuyển hóa thành quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất, tuyển dụng lao động – những động lực cốt lõi cho tăng trưởng dài hạn:

“Ngoài cái việc mà chúng ta đã hoàn thiện một số lớn các Nghị quyết và luật của Quốc hội thì chúng ta thấy là các chính sách lớn như là thực hiện “3 Giảm” giảm chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh thủ tục hành chính; tăng cường số hóa các thủ tục hành chính, hay là chính sách không quản được thì cấm và cơ chế xin cho đang được loại bỏ trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước; hay là những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho các tới việc tiếp cận tín dụng ngắn hạn rồi giải quyết các khúc mắc trong các thủ tục đầu tư. Hay kể cả những cái công tác chống các hành vi làm hàng giả, hàng nhái hoặc là chính thức hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh nói riêng”.

Tại Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam được Ban chính sách chiến lược Trung ương tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia thống nhất nhật định: năm vừa qua và 6 tháng đầu năm nay, một điểm sáng cần ghi nhận là tốc độ phản ứng chính sách của Việt Nam rất nhanh, để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, với mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh hết sức khó khăn. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2025,  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh cải cách thể chế, với việc ban hành 170 Nghị định, 231 Nghị quyết, 1.505 quyết định và 21 chỉ thị trong các lĩnh vực. Ngay trong tháng 6, Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định về phân cấp phân quyền, ban hành 27 chỉ thị, công điện để chỉ đạo các công việc liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp, hỗ trợ người dân doanh nghiệp.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho rằng:

“Quá trình cải cách bộ máy nhà nước có thể đem lại hiệu quả cao hoạt động nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng. ADB tin rằng, sự thay đổi này có thể thúc đẩy một nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn, mang lại cơ hội thúc đẩy kinh tế trong nước, tăng hiệu quả quản trị, đồng thời thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tư nhân”.

Nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước – từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến các hiệp hội doanh nghiệp, cho thấy cải cách thể chế ở Việt Nam đã và đang được thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, được hiện thực hóa bằng hàng loạt quyết sách cấp Chính phủ và địa phương, được lượng hóa bằng những chuyển biến trong môi trường kinh doanh.

Có thể thấy, những thành quả 6 tháng đầu năm 2025 là chỉ dấu rõ ràng rằng cải cách thể chế không chỉ là “phần mềm hỗ trợ” mà chính là “hệ điều hành” cho sự phát triển. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, để cải cách thể chế thực sự hiệu quả, yếu tố quan trọng là việc thực thi, cụ thể cho mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay và giai đoạn tới:

“Để tăng trưởng 2 con số thì theo tôi ngoài những giải pháp của các ngành hàng, doanh nghiệp ra thì tôi cho rằng khía cạnh của bộ máy Nhà nước thể chế thì có lẽ điều rất quan trọng của Nhà nước cần phải đổi mới quản lý nhà nước mạnh mẽ hơn. Điều này giúp cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn tốt hơn nhanh hơn, tin cậy hơn ít chi phí hơn. Nếu trục trặc trong chất lượng thực thi các quy định thì điều này sẽ tác động rất nhiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.”

Nhóm phóng viên VOV1.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận