Các ý kiến của các đại biểu tại toạ đàm chủ đề “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số” do Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức cho thấy, hiện vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Theo báo cáo tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương mới đây để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa những tháng đầu năm nay cho thấy, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái không phải là hiện tượng mới nhưng đang trở nên trầm trọng hơn trong thời gian gần đây. Từ mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng cho đến linh kiện điện tử, hàng thời trang… không lĩnh vực nào là "vùng an toàn".
Chia sẻ thực tế từ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính cho biết: đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng bún, phở ra thị trường, doanh nghiệp đã gặp một vấn đề đó là sản phẩm của đơn vị bị trà trộn với sản phẩm kém chất lượng vào cùng với sản phẩm của mình. Cụ thể như một cơ sở ký hợp đồng thu mua sản phẩm của doanh nghiệp để cung cấp vào suất ăn bán trú trong trường học, nhưng họ chỉ lấy 1 phần rất nhỏ, còn lại phần lớn lấy những hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc bên ngoài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn đến uy tín của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Bính nói: “Doanh nghiệp thấy một điều là hàng trôi nổi thì không thể đảm bảo chất lượng bởi vì họ mua rất rẻ, họ bán vào trường học rất là cao… Việc doanh nghiệp bị trà trộn với các sản phẩm kém chất lượng doanh nghiệp bị tổn hại và cũng bị thất thoát thất thu nhiều, điều này ảnh hưởng đến uy tín rất nhiều”.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu rõ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13 nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, xác định đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, làm xói mòn niềm tin người tiêu dùng – khi mất đi là rất khó lấy lại. Do đó, việc bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng. “Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả – hàng nhái – vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Hàng ngàn vụ việc đã bị phát hiện, trong đó không ít thương hiệu Việt uy tín bị ngang nhiên giả mạo trắng trợn trên cả thị trường truyền thống lẫn sàn thương mại điện tử. Hệ lụy lớn hơn cả là đại đa số người dân phải sử dụng những sản phẩm độc hại xuất phát từ sự thiếu đạo đức trong kinh doanh. Chính vì vậy, trong thế giới đầy biến số này, ai nắm giữ được thương hiệu chính là nắm được niềm tin cộng đồng”- Ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Theo các ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại toạ đàm, bảo vệ thương hiệu không còn là chuyện hình thức logo, không chỉ là bảo vệ lợi ích kinh tế mà là giữ gìn những giá trị nội tại của doanh nghiệp. Trong thế giới đầy biến số này, doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu, sự minh bạch trong quản trị và trách nhiệm với xã hội của mình- sẽ nắm được niềm tin đối với cộng đồng. Khi đó doanh nghiệp sẽ nâng cao được uy tín, thương hiệu của mình trên thương trường./.
Nguyễn Thuý Hằng VOV1
Bình luận