Nội dung chính trong chương trình:
- Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
- Nhiều cơ hội đẩy nhanh tiến độ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm
Theo Nghị quyết số 159 năm 2024 của Quốc hội, dự toán chi ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2025 là hơn 790 nghìn tỷ đồng, cao hơn 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2024. Không những vậy, một số kế hoạch đầu tư - công trình trọng điểm quốc gia cho các mục tiêu dài hạn, cũng vừa được đề ra và yêu cầu khởi động ngay trong năm nay, sẽ góp phần làm kế hoạch đầu tư công năm nay tăng mạnh so với các năm trước. Yêu cầu đặt ra ra cho năm 2025 là tăng đầu tư phát triển, tiếp tục lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, cùng chung sức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, tạo nền tảng tốt cho thời kỳ phát triển bứt phá của đất nước trong giai đoạn mới: 2025-2030. Để làm tốt yêu cầu này, đòi hỏi các bộ ngành và địa phương phải nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phát huy những kinh nghiệm tốt về triển khai tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí nguồn lực tài chính quốc gia:
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngày từ đầu năm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, để làm cơ sở cho Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi, thanh toán và giải ngân vốn. Với kinh nghiệm của đơn vị nhiều năm dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư của Bộ Giao thông - Vận tải cho biết: "Đẩy nhanh thủ tục giao vốn giám sát thực hiện kế hoạch vốn. Khi Chính phủ giao vốn cho Bộ Giao thông - Vận tải, chúng tôi yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tự đề xuất nhu cầu vốn mỗi dự án là bao nhiêu và kế hoạch cho từng tháng là bao nhiêu, để sau này chịu trách nhiệm và chúng tôi đánh giá Giám đốc Ban và Ban quản lý dự án trên cơ sở kế hoạch đầu năm chứ không phải kế hoạch điều chỉnh. Như vậy, phải xác định kế hoạch giải ngân đầu năm rất chính xác".

Theo đó, các bộ ngành và địa phương sau khi khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cần kịp thời nhập kế hoạch phân bổ vốn chi tiết vào hệ thống Thông tin ngân sách và kho bạc – TabMis, để làm cơ sở cho kho bạc kiểm soát chi và giải ngân vốn từ sớm. Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi thuộc Kho bạc Nhà nước nhấn mạnh: "Trên cơ sở kế hoạch Thủ tướng giao, Kho bạc Nhà nước chỉ đạo các đơn vị kho bạc tập trung ngay từ đầu năm thực hiện giải ngân, làm sao đảm bảo đáp ứng giải ngân, vì năm 2025, số lượng vốn đầu tư công sẽ lớn hơn năm 2024 rất nhiều. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ tốt nhất cho chủ đầu tư và các đơn vị sử dụng ngân sách để giải ngân. Ngay từ đầu năm cũng đã đôn đốc các đơn vị phân bổ ngay kế hoạch nhập vào Tabmis và phê duyệt vào Tabmis để phục vụ công tác kiểm soát thanh toán. Bên cạnh đó, trong năm 2025, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để đáp ứng nhu cầu chi của các chủ đầu tư và tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh thủ tục giải ngân, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ".

Đối với các chủ đầu tư, tháng 1 đầu năm thường là thời gian cao điểm để tập trung giải ngân nốt kế hoạch vốn đầu tư công năm trước. Do đó, từ tháng 2 này, các đơn vị cần triển khai mạnh các bước thực hiện dự án đầu tư năm 2025, để có khối lượng nghiệm thu, từ đó làm thủ tục giải ngân qua kho bạc Nhà nước. Đặc biệt, phải chú trọng những công đoạn đầu tiên, như: chuẩn bị hồ sơ thiết kế, đấu thầu... Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị đầu tư ngay từ cuối năm trước: "Còn 2 tháng nhưng chúng tôi đã xây dựng kế hoạch 2025, vì việc giải ngân của năm đó phải chỉ các giải pháp trong năm, mà phải chuẩn bị từ trước, thường là từ 1 đến 2 quý của năm trước đó, thì năm nay đã chuẩn bị cho năm tới. Một giải pháp nữa để chuẩn bị sớm là chuẩn bị đầu tư. Chủ đầu tư và các ban quản lý dự án đã có sự chuẩn bị từ trước, đến thời gian thì chỉ thi công thôi nên thời gian rất nhanh, chứ không phải vừa thi công vừa triển khai các công việc song hành".

Thực tế năm 2024, giải phóng mặt bằng tiếp tục là một vướng mắc lớn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư của nhiều địa phương, dù các địa phương như Hà Nội, đã có những nỗ lực mạnh mẽ. Ông Vũ Duy Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: "Đối với mỗi dự án sẽ có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết quá trình tổ chức thực hiện. Hàng quý, hàng tháng có báo cáo định kỳ về triển khai thực hiện. Còn với công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi nhận diện đây là nhiệm vụ xác định rõ Chủ tịch UBND quận huyện chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác giải phóng mặt bằng cũng như tổ chức triển khai thực hiện dự án đó".
Việc Hà Nội và Tp.HCM, hai đầu tàu kinh tế của cả nước, mỗi thành phố chiếm tới khoảng 12% tổng kế hoạch đầu tư công của cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân lại thấp hơn bình quân chung, đã kéo giảm đáng kể tỷ lệ giải ngân của cả nước. Tình trạng này cần cải thiện tốt hơn trong năm 2025.

Đặc biệt, một tình trạng chung đáng chú ý là nhiều năm qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thường chậm trễ vào đầu năm và tăng mạnh vào cuối năm. Ngoài lý do khách quan, thì không thể không nói đến tình trạng một số chủ đầu tư còn mang tâm lý lơi lỏng, chờ xong thủ tục đầu tư, đấu thầu mới đẩy mạnh triển khai dự án. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2025, chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục đầu tư, cũng như công tác chuẩn bị đầu tư... Do đó, các bộ ngành và địa phương cần đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị dự án để sớm bước vào giai đoạn thi công. Có như vậy mới tránh được tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả” giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả ngay từ đầu năm./.