Bài 2: Hiểu đúng về kỷ nguyên mới của dân tộc
VOV1 - Trước những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, yêu cầu khách quan đặt ra hiện nay là mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân cần có nhận thức đúng về cơ sở, mục tiêu, điều kiện bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Đây là cơ sở để thống nhất nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết để dân tộc vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh

Tiếp cận từ góc độ khoa học chính trị, kỷ nguyên là “thời kỳ lịch sử mở đầu bằng một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển về sau của xã hội hay một lĩnh vực nào đó” (1). Thực tiễn lịch sử chứng minh, sau hơn 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng trong kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975) và kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025). Hiện nay, Việt Nam đang tự tin, nỗ lực bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được khởi đầu bằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Những kỷ nguyên này nối tiếp nhau, hòa chung trong dòng chảy lịch sử dân tộc, cùng hướng đến mục đích là hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đó, kỷ nguyên mới với tầm nhìn chiến lược là biểu hiện cho sự thống nhất “ý Đảng lòng dân” và khát vọng đưa đất nước vươn mình lên một tầm cao mới.

Những định hướng, chỉ đạo của Đảng và những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian qua đã khẳng định rõ, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với đặc trưng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; mọi người dân đều có cơ hội học tập, lao động, phát triển, làm giàu; vị thế của đất nước không ngừng được nâng cao; Việt Nam có đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và nhân dân Việt Nam là “thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (2).

Trong kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975) khởi đầu từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tiến lên xây dựng chế độ xã hội mới. Trong kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025) mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã hiện thực hóa mục tiêu chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, đưa Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Và trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được mở ra bằng Đại hội XIV của Đảng, mục tiêu của kỷ nguyên mới đã có sự nâng tầm mang tính chất biện chứng trên cơ sở những mục tiêu của hai kỷ nguyên trước, phản ánh sự phát triển về chất của mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Do vậy, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao và hành động quyết liệt để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đất nước chỉ thực sự bước vào kỷ nguyên mới khi có sự phát triển về chất, được minh chứng bằng những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại,… với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hội tụ đủ điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Có thể thấy, những định hướng, chỉ đạo của Đảng ta và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam hoàn toàn không phải là những định hướng, chỉ đạo mang tính chủ quan, nóng vội như luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Ngược lại, đó là kết quả của sự nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về các yếu tố chủ quan và khách quan, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế; đồng thời, dự báo xu thế vận động, phát triển một cách khoa học, phù hợp với quy luật khách quan.

Cụ thể, về điều kiện chủ quan, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi mặt đời sống xã hội. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thu được những kết quả to lớn; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân.

Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những kết quả đạt được sau gần 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam phát triển hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu. “Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài” (3). Như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (4).

Cùng với đó, Việt Nam cũng là “điểm sáng” trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện. An ninh, quốc phòng và đối ngoại được giữ vững trên cơ sở kiên trì thực hiện phương châm “độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu”. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; đồng thời, xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực.

Về điều kiện khách quan, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển đã và đang tạo thuận lợi để Việt Nam tham gia vào các diễn đàn khu vực, quốc tế và chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu; là thời cơ để Việt Nam khẳng định và chứng tỏ tiềm lực, vị thế, uy tín quốc gia. Xu hướng liên kết quốc tế, nhất là liên kết về kinh tế và những thành tựu to lớn của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, gia tăng vốn đầu tư và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất cũng như hiện đại hóa xã hội… Tạo tiền đề về kinh tế vật chất thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, với tinh thần khách quan, Đảng ta và Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định cùng với thuận lợi, thời cơ thì chúng ta đang phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức trong hành trình bước vào kỷ nguyên mới. Bốn nguy cơ được Đảng ta chỉ ra từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) vẫn còn tồn tại, thậm chí có mặt còn diễn biến phức tạp hơn, nhất là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn diễn biến phức tạp, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... vẫn chưa được đẩy lùi có hiệu quả. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

Đánh giá một cách tổng thể có thể khẳng định, Việt Nam đã và đang hội tụ đủ những điều kiện, tiền đề để bước vào kỷ nguyên mới. Những định hướng, chỉ đạo về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam hoàn toàn không mang tính chất chủ quan, ảo tưởng, cũng không phải là “ý chí cá nhân hóa” của người đứng đầu Đảng như luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Ngược lại, đó là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; phản ánh sự thống nhất “ý Đảng, lòng dân”, thống nhất giữa mục tiêu, quyết tâm của toàn Đảng và mong muốn, khát vọng của nhân dân trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam ổn định, phát triển./.

Thành Chung - Ngọc Thắng - Mạnh Hùng

Chú thích tài liệu trích dẫn:

 (1). Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2014, tr. 639.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H. 2024, tr. 17.

(3). Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Báo điện tử VOV, ngày 01/11/2024.

(4). Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 34

 

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận