Thủ tướng: Thực hiện có hiệu quả các chiến lược về phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họ
VOV1 - Thủ tướng lưu ý thời gian tới thực hiện có hiệu quả các chiến lược về phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Tối 9/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng dự Lễ tuyên dương Đoàn công tác Quân đội và Công an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.

Ngay sau khi xảy ra trận động đất cường độ mạnh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tại Myanmar, với truyền thống nhân đạo của dân tộc, trên tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; Việt Nam đã quyết định cử Đoàn hỗ công tác gồm 106 cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an sang Myanmar tham gia cứu trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả động đất. Đây là lần thứ 3 Việt Nam cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ở nước ngoài và được triển khai rất nhanh chóng (chưa đầy 24h) cho thấy sự tiến bộ rất rõ về năng lực, kinh nghiệm, khẳng định bản lĩnh, uy tín của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam trước các vấn đề an ninh phi truyền thống, được cộng đồng quốc tế và Chính phủ, nhân dân Myanmar trân trọng, đánh giá cao.

Mặc dù triển khai nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những hiểm nguy do các rung chấn sau động đất, những khó khăn về ngôn ngữ, tập quán, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và làm việc, nhưng Đoàn Công tác đã phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ luật, bản lĩnh, quyết tâm cao, tự tin, không quản khó khăn, gian khổ, không sợ hiểm nguy, chạy đua với thời gian để phối hợp tìm kiếm cứu nạn; kịp thời xác định nhiều điểm có người bị mắc nạn, bàn giao cho chính quyền và lực lượng chức năng nước sở tại xử lý.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Trưởng đoàn công tác Bộ Quốc phòng kể lại: “Tất cả các vị trí mà nước bạn giao cho quân đội thực hiện nhiệm vụ, có bao nhiêu nạn nhân mất tích, còn vùi lấp trong đó thì chúng ta đều quyết liệt và đưa ra được hết tất cả. Tối 5/4, trước khi Myanmar thông báo chuyển giai đoạn để tái thiết thì chúng tôi tìm được một thi thể cuối cùng ở bệnh viện là bác sĩ. Cả bệnh viện và nhân dân vỡ òa, người ta nói rằng không thể tin được có thể đưa được hết 17/17 người mất tích trong bệnh viện đó được ra ngoài”.

Còn Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Trưởng đoàn công tác Bộ Công an cho biết: “Đoàn cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam tiến hành khảo sát tại 7 điểm và được giao trực tiếp chủ trì thực hiện nhiệm vụ cứu, nạn hộ tại 4 địa điểm hiện trường. Tại 4 hiện trường đó chúng tôi tiến hành cứu trực tiếp 7 thi thể nạn nhân. Cùng vưới sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam chúng tôi hỗ trợ đoàn quân đội đoàn của Myanmar, Singapore, Indonesia phát hiện ra 7 vị trí và đưa 7 người bị nạn ra khỏi khu vực”.

Trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân trong đoàn công tác Quân đội và Công an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: việc đưa lực lượng của Quân đội, Công an tham gia cứu nạn, hỗ trợ nạn nhân động đất tại Myanmar có ý nghĩa, góp phần thể hiện tầm vóc, vị thế của đất nước; truyền đi thông điệp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân ái, nghĩa tình, nhân đạo, đoàn kết quốc tế cao cả; khẳng định uy tín, năng lực của Việt Nam trong giải quyết có trách nhiệm các vấn đề quốc tế, luôn luôn sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức.

Thay mặt Chính phủ, Nhân dân Việt Nam, một lần nữa Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và Nhân dân Myanmar về những thiệt hại, mất mát do trận động đất vừa qua gây ra. Bày tỏ tin tưởng, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Myanmar, cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Myanmar sẽ sớm vượt qua khó khăn, thử thách này.

Đánh giá cao sự quan tâm động viên, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Đại sứ quán Myanmar tại Hà Nội và các cơ quan chức năng của Myanmar, các hãng hàng không đã kịp thời phối hợp hỗ trợ Đoàn triển khai nhiệm vụ cứu trợ, Thủ tướng cũng đồng thời biểu dương các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có Đài THVN, Đài TNVN đã kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động của Đoàn Công tác, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng và Nhân dân cả nước.

Qua các hoạt động tham gia cứu hộ, cứu nạn, Thủ tướng cho rằng bài học kinh nghiệm là nắm chắc tình hình, khi có các vấn đề phát sinh, xuất hiện các sự cố, thảm họa để chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu, đề xuất. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, sâu sát, nhanh nhạy, kịp thời phù hợp, hiệu quả với diễn biến, tình hình. Với phương án huy động các lực lượng và phương tiện, Thủ tướng đề nghị lựa chọn cán bộ, chiến sĩ được đào tạo bài bản, có sức khỏe, kinh nghiệm nhưng đồng thời thông minh, linh hoạt trong điều hành tại chỗ để có phương án hiệu quả tại hiện trường.

Thủ tướng cho rằng: “Mưu trí dũng cảm, nhưng cũng phải tự tin đánh giá tình hình an toàn mới thực hiện cứu nạn, cứu hộ. Mình vừa phải có lòng dũng cảm không sợ khổ, không sợ khó, nhưng phải có sự thông minh, khôn khéo, bảo toàn được lực lượng rồi mới tiếp tục chiến đấu tiếp. Phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa về lực lượng, phương tiện phù hợp với các loại hình sự cố, thảm họa, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện diễn tập, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể”.

Thủ tướng cho rằng năm 2025 và thời gian tới, những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là tình hình thiên tai, thảm họa trên thế giới và khu vực ngày càng phức tạp, khó lường và ở trong nước, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở…với cường độ ngày càng cao có thể xảy ra, do đó đề cao hơn nữa nhân tố con người, an ninh con người, an ninh, an toàn cuộc sống cho người dân. Thủ tướng lưu ý thời gian tới thực hiện có hiệu quả các chiến lược về phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, tăng cường đầu tư cho các lực lượng ứng phó thiên tai; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Xây dựng lực lượng chuyên trách đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ, lực lượng rộng rãi “vừa có điểm, vừa có diện”. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Chủ động rà soát, kiện toàn các kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tổ chức luyện tập thuần thục các phương án; chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cả ở trong nước và quốc tế, trong mọi điều kiện, mọi địa hình, mọi địa bàn”./.

Lại Hoa-VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận