Ngày 21/4, sau khi xem xét, thảo luận Tờ trình của Ban Thường vụ Đảng uỷ UBND tỉnh Quảng Nam, căn cứ kết quả biểu quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khoá XXII quyết định: Thống nhất điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã (mới) tại Nghị quyết 45, ngày 18/4/2025, về sắp xếp, sáp nhập tổ chức đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; Giao Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo Đảng uỷ UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo trình HĐND tỉnh Quảng Nam vào ngày 26/4/2025 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, sau khi tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo Phương án ban hành tại Nghị quyết số 45 của Tỉnh ủy trong 2 ngày 19/4 và 20/4, có 99,02% cử tri đại diện hộ gia đình trên toàn tỉnh tham gia ý kiến; trong đó cử tri tán thành với việc sắp xếp cấp xã đạt tỷ lệ 97,66% và có 98,52% cử tri tán thành việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ngày 20/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương tổng rà soát địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; trên cơ sở đó đề xuất đặt tên mới cho các xã, phường sau sắp xếp.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy sáng nay 21/4, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đại biểu đã thảo luận, góp ý sôi nổi và thống nhất không đặt tên các xã phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3... hoặc theo phương hướng đông, tây, nam, bắc... Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.

Rất nhiều tên đất, tên làng cũ đã đi vào lịch sử và đi vào đời sống của bao thế hệ người con xứ Quảng được dùng để đặt tên xã phường mới như: Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); Chu Lai (huyện Núi Thành); Hương Trà, Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ); Thanh Châu, Thanh Hà (thành phố Hội An); Thượng Đức (huyện Đại Lộc); Việt An (huyện Hiệp Đức); A Vương, Bến Hiên (huyện Đông Giang)…
Ngoài ra, những cái tên thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương... cũng được đặt tên cho các xã mới.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam sau sắp xếp giảm từ 233 đơn vị (190 xã, 14 thị trấn, 29 phường) giảm còn 88 đơn vị (12 phường, 76 xã); tỷ lệ giảm 62,23% số xã, phường.

Trước đó, ngày 18/4 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII quyết nghị thông qua nội dung cơ bản các dự thảo Đề án: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam; Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; Đề án kết thúc hoạt động đảng bộ huyện, thị xã, thành phố sau khi không tổ chức cấp huyện; Đề án thành lập tổ chức đảng theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, dự kiến sẽ sắp xếp 233 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn 88 đơn vị hành chính cấp xã.
Về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã dự kiến thành lập mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tên gọi theo nguyên tắc: Tên huyện, thị xã + số thứ tự. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình lấy ý kiến cử tri tại một số địa phương, rất nhiều cử tri kiến nghị đặt tên xã, phường theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá của địa phương. Sáng 20/4, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn về việc đề xuất lại tên gọi đơn vị hành chính dự kiến sau sắp xếp.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương nghiên cứu điều 7, Nghị quyết 76/2025, ngày 14/4/2025 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Trong trường hợp các huyện, thị xã, thành phố có đề xuất tên gọi khác so với Nghị quyết số 45 về sắp xếp, sáp nhập tổ chức đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh của Tỉnh uỷ Quảng Nam thì khẩn trương báo cáo UBND tỉnh (Sở Nội vụ), trước 8 giờ ngày 21/4/2025, để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cụ thể danh sách dự kiến điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính cấp xã dự kiến thành lập được hội nghị thống nhất như sau:

Bình luận