Chia sẻ về kết quả hoạt động của Hội, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam là một tổ chức xã hội được thành lập theo Quyết định số 1081, ngày 17/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ với tôn chỉ, mục đích hoạt động là “Tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính bằng thực chứng và giám định ADN; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách và giải pháp thực hiện chế độ chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ”.
Được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương, 15 năm qua, tổ chức của Hội không ngừng phát triển, đã có 21 Hội và Chi hội cấp tỉnh, thành phố, hơn 96 Chi hội cấp huyện và tương đương (Số liệu trước sáp nhập cấp tỉnh, thành phố và thực hiện chính quyền 2 cấp) và gần 7.000 hội viên trên cả nước. Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nhấn mạnh, tri ân liệt sĩ là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân ta và là sứ mệnh của Hội, với phương châm “Tâm huyết, nghĩa tình, hiệu quả” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Ngay sau khi được thành lập, đầu năm 2012, Hội đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát, điều tra thực trạng về thân nhân liệt sĩ ở 3 vùng miền của đất nước. Từ kết quả khảo sát, Hội đã có văn bản kiến nghị với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) và các cơ quan chức năng bổ sung và sửa đối một số chính sách đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Năm 2013, theo chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), Hội đã tổ chức trực tiếp lấy mẫu sinh phẩm hơn 1.750 thân nhân liệt sĩ ở 63 tỉnh, thành phố để phục vụ giám định ADN. Thực hiện Chỉ thị số 24 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Hội đã hỗ trợ tìm kiếm bằng phương pháp thực chứng và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng giám định AND, trả lại tên cho 1.250 liệt sĩ. Hỗ trợ di chuyển hơn 1.600 hài cốt liện sĩ từ các nghĩ trang liệt sĩ về quê hương yên nghỉ.
Hội đã thường xuyên tổ chức vận động xã hội, tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến hết tháng 6/2025, Hội đã tặng gần 1.200 nhà tình nghĩa, nâng cấp hơn 120 nhà, tặng hơn 3.100 sổ tiết kiệm, tặng 880 suất học bổng cho các con, cháu liệt sĩ nghèo vượt khó, tặng 250 xe lăn, gần 600 xe đạp và hơn 64.700 suất quà tới các gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng trên 100 Mẹ Việt Nam anh hùng ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Các tổ chức Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho hơn 29.600 lượt người là đối tượng chính sách. Hội và các tổ chức hội cũng làm tốt công tác thiện nguyện, đặt biệt đối với đồng bào bị bão lũ, thiên tai, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn...
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường hoạt động gần 15 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và các tổ chức Hội trên toàn quốc đã và đang là cánh tay nối dài và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với các gia đình liệt sĩ; là địa chỉ tin cậy đối với các thân nhân liệt sĩ trong việc cung cấp, kết nối thông tin tìm kiến hài cốt liệt sĩ và thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Chính phủ đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cũng cho rằng, Hội đã tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là giới trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Hội vận động xã hội, hỗ trợ vật chất và tinh thần tới các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hội đã tích cực tham gia vào việc đền đáp, chăm lo cả tinh thần và vật chất đối với người có công với cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm dịu nỗi đau do chiến tranh để lại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương bày tỏ vui mừng đến thăm Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong Tháng tri ân, đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã hoàn thành rất tốt các tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình; đồng tình với những kết quả mà Hội đã làm được kể khi được thành lập đến nay. Hội là cánh tay nối dài để gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với các gia đình liệt sĩ; là địa chỉ tin cậy đối với các thân nhân, gia đình liệt sĩ; là địa chỉ tin cậy cho các nhà hảo tâm. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cũng góp phần làm dịu nỗi đau của người thân các gia đình liệt sĩ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giảm tình trạng mê tín dị đoan trong qua trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chia sẻ với những trăn sở, suy tư của các thành viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khi vẫn còn 53 vạn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hơn 18 vạn liệt sĩ vẫn còn nằm lại đâu đó nơi chân trời góc bể, nơi các chiến trường, núi rừng xa thẳm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo để làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng nói chung và công tác hỗ trợ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nói riêng. Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí với nhận định của Hội, đây là hoạt động lâu dài.
Về cơ sở pháp lý, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi. Quốc hội sẽ cùng Chính phủ nghiên cứu để có hình thức văn bản pháp lý phù hợp đối với người có công với cách mạng. Chăm sóc người có công nói chung và thân nhân, gia đình liệt sĩ nói riêng, đây không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, là sự tri ân mà còn là sự nối tiếp, tạo nguồn lực tinh thần, nhân lên biểu tượng về ý chí, tinh thần độc lập dân tộc trong thời kỳ mới, và đó là nguồn lực cho đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Dù cho là việc sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hay là nâng Pháp lệnh lên thành luật, cũng cần làm rõ vai trò của các Hội tự nguyện.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đồng tình, cần đặt hoạt động của Hội trong tổng quan các tổ chức Hội và các cơ quan quản lý nhà nước. Với sự phát triển của chuyển đổi số, công nghệ số, sau khi đã thành lập Ngân hàng gene liệt sĩ, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng hy vọng sẽ tìm thêm được nhiều liệt sĩ trong thời gian tới./.
Hà Nam-VOV1
Bình luận