Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đang tiến hành một cuộc cải cách hành chính mang tính lịch sử, với trọng tâm là xây dựng mô hình chính quyền hai cấp và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc tinh gọn bộ máy và phân cấp hợp lý không chỉ giúp giảm chi phí hành chính mà còn tăng cường tính chủ động, linh hoạt cho chính quyền địa phương trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách và thúc đẩy quản trị bao trùm. Chia sẻ quan điểm này, ông Adrien Dolimont- Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ vùng Wallonie và bà Elisabeth Degryse- Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp đánh giá, sự ổn định về chính trị là nền tảng quan trọng cho những cải cách toàn diện của Việt Nam:
“Sự ổn định địa chính trị là một yếu tố then chốt đối với việc phát triển đầu tư. Chúng ta cũng có thể đặt yếu tố này vào bối cảnh tăng trưởng ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây và theo tôi, đà tăng trưởng đó sẽ còn tiếp diễn.
“Điều này cũng đúng đối với các mối quan hệ hợp tác đại học. Sự ổn định địa chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác yên tâm và duy trì hợp tác trong một tinh thần xây dựng và cởi mở. Tôi cho rằng, những mối quan hệ hợp tác đã được duy trì suốt 30 hay 50 năm qua chính là minh chứng rõ ràng nhất. Đà tăng trưởng cùng với sự ổn định ngày càng được củng cố đã góp phần gia tăng niềm tin và đó là điều quan trọng nhất."

Song song với tổ chức lại bộ máy hành chính, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, tăng tốc số hóa dịch vụ công, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan và minh bạch hóa thủ tục hành chính. Cộng đồng quốc tế đánh giá đây là bước đi quyết liệt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) mới nhất cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công tăng đáng kể, tỷ lệ chi phí không chính thức có xu hướng giảm rõ rệt. Việc ưu tiên nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng số và thực hiện các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57 cũng giúp thu hẹp khoảng cách số hiện nay. Ông David Archibald – Tổng Giám đốc Tập đoàn Al Naboodah Việt Nam đánh giá:
"Điều khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực chính là tốc độ thay đổi. Và đó chính là điều khiến nhiều người nước ngoài đang sống ở đây cảm thấy hứng khởi. Tốc độ chuyển mình nhanh chóng tạo nên một nguồn năng lượng đầy sức sống, và chính sự năng động đó đã thu hút họ. Gần đây, nếu phải nêu một điểm nổi bật thì tôi cho rằng đó là quá trình số hóa. Việt Nam đang trở thành một xã hội số thực sự. Dân số đang ở thời điểm vàng về nhân khẩu học, với khoảng 60% lực lượng lao động đã lớn lên trong thời đại kỹ thuật số."

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam kiên trì cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Theo đánh giá mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng duy trì tăng trưởng cao và ổn định nhờ chính sách điều hành nhất quán, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và đầu tư có trọng tâm vào hạ tầng, công nghệ và giáo dục. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024 tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có hiệu suất vượt trội so với trình độ phát triển. Theo ông Carl Bernadac- Giám đốc Ban dự báo kinh tế và Chính sách công của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Việt Nam vẫn đang cho thấy sự vững vàng trong định hướng phát triển, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và cam kết rõ ràng với các mục tiêu cải cách thể chế, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhờ sự ổn định đó, các cải cách của Việt Nam được triển khai một cách kiên định, sâu rộng và mang lại kết quả thực chất:
“Chúng tôi ấn tượng với những gì đang diễn ra tại Việt Nam nhằm hướng tới tính hợp lý về mặt thể chế, giúp gỡ bỏ rào cản, những thách thức về mặt thể chế mà chúng tôi đã gặp phải ở nhiều quốc gia. Những cải cách này sẽ thúc đẩy tính liên bộ, liên ngành trong tiếp cận các vấn đề, ví dụ như giữa tài chính và kế hoạch, giữa các lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, môi trường, khả năng phục hồi, lộ trình phát thải carbon thấp, và nông nghiệp. Bất kỳ điều gì có thể tạo điều kiện cho việc hợp lý hoá theo hướng hiệu quả, đơn giản và mang tính liên ngành dường như rất hứa hẹn về khả năng thực hiện các chính sách phức tạp, cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, việc làm và chuyển đổi năng lượng, khả năng phục hồi sau các cú sốc khí hậu.”

Giới đầu tư và các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao môi trường chính trị- xã hội ổn định tại Việt Nam như một yếu tố then chốt làm nên sức hấp dẫn của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hợp tác phát triển dài hạn. Ổn định chính trị không phải là điểm dừng của đổi mới, mà là nền tảng để Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ, bền vững và chủ động hơn trong thời kỳ hội nhập sâu rộng./.
Thu Hoài/VOV1
Bình luận